Phẫu thuật tim nội soi - bước cải tiến kỳ diệu

01/09/2017 09:28:00

Khác với phẫu thuật tim hở, phẫu thuật tim nội soi (PTTNS) không cần mở ngực bằng đường mổ giữa xương ức, bệnh nhân không bị mất nhiều máu, phục hồi nhanh, giảm thời gian nằm viện, tính thẩm mỹ cao. 

Hồi sinh những trái tim lỗi nhịp 


Nhận cái ôm thật chặt và lời cảm ơn của bà Lê Thị Hồng (67 tuổi, Q.9, TP.HCM), PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM cười dung dị: “Mong có thêm nhiều người mắc bệnh tim không phải chịu đau đớn kéo dài…”.

Bà Hồng kể, cuối năm 2015, bà bỗng dưng thường xuyên bị tức ngực, đêm khuya luôn phải ngồi dậy mới có thể hít thở. Đến BV khám, bác sĩ chẩn đoán bà bị hở van tim hai lá, ba lá, rung nhĩ và được chỉ định phẫu thuật thay van tim. Tuy nhiên, do tuổi cao và chứng kiến nhiều người bạn mổ tim nằm điều trị lâu, việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cũng bị lệ thuộc, người thân cực nhọc… bà từ chối phẫu thuật.

Vài tháng sau, bệnh ngày càng nặng, những cơn đau tức ngực, khó thở xuất hiện liên tục và kéo dài, bà đến BV Đại học Y Dược khám. “BS tư vấn tôi PTTNS, chỉ cần rạch vài lỗ nhỏ ở thành ngực để đưa ống nội soi vào phẫu thuật, chứ không phải chẻ xương ức như mổ mở, nên tôi không lo lắng nhiều nữa.

Từ lúc bước vào phòng mổ đến khi tỉnh lại, mọi thứ nhẹ nhàng đến không ngờ. Chỉ hai ngày sau mổ, tôi đã tỉnh, tự ăn uống và đi lại được. Mình không chịu đau và người thân không phải vất vả. Tôi như được hồi sinh sau ca phẫu thuật” - bà Hồng bộc bạch. 
 
Phau thuat tim noi soi - buoc cai tien ky dieu
Một ca phẫu thuật tim nội soi 

Cũng vừa trải qua ca mổ nội soi thay van tim, anh thợ hồ Nguyễn Văn Chúc (48 tuổi, Q.1, TP.HCM) hồ hởi, nhắc đi nhắc lại “cảm ơn BS Định, không có BS không biết tôi còn sống được bao lâu”. Anh Chúc cho biết, 15 năm trước BS BV Nguyễn Trãi chẩn đoán anh bị hở van tim, phải uống thuốc mỗi ngày và không được làm việc nặng. Nhưng gia đình quá khó khăn, anh vẫn tiếp tục nghề thợ hồ nặng nhọc, và bệnh tim trở nặng. Hơn một năm nay, thường bị ngất xỉu, tai ù, nôn ói, nhức đầu… anh đến BV khám, BS cho biết, anh bị hở van tim rất nặng, phải mổ sớm.

Thật may mắn, anh Chúc được một BS giới thiệu đến BV Đại học Y Dược sau hàng tháng chờ sắp lịch mổ tại một BV khác, trong khi sức khỏe ngày một yếu. Anh Chúc kể: “Tôi lo mình nghèo, BV sẽ không tận tâm, nào ngờ, được BS Định động viên, chia sẻ rất nhiều. BS Định cho biết bệnh tôi nặng, phức tạp nên trong quá trình mổ nội soi, nếu không thành công có thể phải chuyển qua mổ hở. Thế nhưng, hai ngày sau mổ tôi đã ngồi dậy, đi đứng được. Sức khỏe hồi phục tốt”. 

Còn anh Nguyễn Văn Tr. (49 tuổi, Tiền Giang) là người đầu tiên ở Việt Nam được mổ nội soi thay hai van tim cùng lúc. Anh Tr. bị bệnh van động mạch chủ, hở van hai lá nặng. Tương tự anh Chúc, ca PTTNS đã diễn ra trọn vẹn. Sau một tuần nằm viện, anh về nhà chỉ với một sẹo nhỏ ở ngực và không còn khó thở, tức ngực, đang dần hồi phục sức khỏe… 

Phương pháp mổ tim mới này đã cứu sống hàng trăm bệnh nhân và đang được BV Đại học Y Dược chuyển giao kỹ thuật cho nhiều BV khác.
 
Phau thuat tim noi soi - buoc cai tien ky dieu
Bệnh nhân Lê Thị Hồng tri ân PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định 

Cải tiến mạnh mẽ 

Theo các nhà chuyên môn, trong lịch sử ngoại khoa, có lẽ chưa có sự thay đổi trang thiết bị nào ảnh hưởng đến phương pháp phẫu thuật mạnh mẽ như phẫu thuật nội soi. Và, mổ tim bằng kỹ thuật ít xâm lấn này đã thực sự trở thành cuộc cách mạng trong y học.

Chuyên gia phẫu thuật tim, PGS-TS-BS Phạm Thọ Tuấn Anh so sánh: “Mổ tim theo phương pháp thông thường, người bệnh phải mất ít nhất ba tháng để có thể trở lại làm việc như trước. Với kỹ thuật nội soi, họ chỉ mất khoảng hai tuần để có thể sinh hoạt bình thường và chưa đến một tháng thì trở lại công việc hằng ngày”.

Người đặt nền móng cho PTTNS ở miền Nam là BS Nguyễn Hoàng Định. Năm 2002, BS Định được BV Đại học Y Dược TP.HCM cử sang Pháp học phẫu thuật tim. Khi nghe báo cáo về PTTNS, BS Định như bị “say nắng” và luôn bị thôi thúc bởi câu hỏi “làm sao để ứng dụng kỹ thuật này tại Việt Nam?”. Khi đó, PTTNS vẫn còn sơ khai ở các nước có nền y học tiên tiến như Mỹ, Pháp… Còn tại Việt Nam, ngay cả phẫu thuật tim theo kiểu truyền thống (mổ hở) vẫn còn khá mới.

Năm 2012, BS Định sang Pháp công tác, gặp lại vị giáo sư từng báo cáo đề tài PTTNS. Trải lòng với vị giáo sư ấy về mong muốn được triển khai PTTNS tại Việt Nam, BS Định may mắn được đặc cách vào phòng mổ và được chỉ dẫn nhiệt tình, tỉ mỉ về kỹ thuật này.

Càng tiếp cận và hiểu thêm về kỹ thuật, BS Định càng say mê, vì PTTNS mang đến quá nhiều điều tốt đẹp cho bệnh nhân: không phải chẻ xương ức, giảm truyền máu, giảm thời gian thở máy, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng, mau lành và vết sẹo rất nhỏ. Tuy nhiên, BS Định nhận thấy khó khăn trăm bề để Việt Nam tiếp cận kỹ thuật cao này. Ngoài chuyên môn, còn là kinh phí, trang thiết bị với giá hàng tỷ đồng…

Sau thời gian dài nỗ lực của đội ngũ BS, tháng 6/2014, ca PTTNS sửa van hai lá đầu tiên tại BV Đại học Y Dược được thực hiện thành công; ba năm sau đã nâng lên con số hơn 200 ca với tỷ lệ thành công 100%, không có ca tử vong.

BS Định thông tin: “PTTNS không chỉ làm được tương tự mổ hở như: phẫu thuật van tim (van hai lá, van động mạch chủ), phẫu thuật tim bẩm sinh (thông liên nhĩ, thông liên thất), phẫu thuật điều trị hẹp động mạch vành… mà còn can thiệp được những ca phức tạp như: vừa phẫu thuật van tim hai lá, vừa van động mạch chủ và sửa van ba lá”.

"PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định vừa sang Pháp báo cáo đề tài khoa học: PTTNS với “hành trang” hơn 200 ca trong ba năm. Hiện, BV Đại học Y Dược đang chuyển giao kỹ thuật PTTNS cho một số BV tại ở TP.HCM và các tỉnh. Việc chuyển giao này sẽ các giúp cho bệnh nhân tim có nhiều lựa chọn, không phải trì hoãn phẫu thuật khiến bệnh trở nặng hơn, đồng thời giảm thời gian, chi phí điều trị. "
Nguồn: http://phunuonline.com.vn

Các tin đã đăng