Lớp tập huấn xây dựng đơn vị điều phối ghép tạng

18/01/2018 08:41:00

Ngày 13/1/2018, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) tổ chức Lớp tập huấn Xây dựng đơn vị điều phối ghép tạng. Đây là cơ hội để giao lưu, chia sẻ về các vấn đề liên quan đến ghép tạng hiện tại và tương lai, các quy định của pháp luật về hiến, lấy, ghép tạng tại Việt Nam, tạo sự an toàn cho nhân viên y tế và người hiến, ghép tạng. Đại diện Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người có GS TS BS. Trịnh Hồng Sơn – Giám đốc, ThS. Nguyễn Hoàng Phúc – Phó Giám đốc. Đại diện BV ĐHYD có TS BS. Vũ Trí Thanh – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp và Trưởng / Phó các khoa, đơn vị.

Với mục tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng chuyên môn và chất lượng dịch vụ, đáp ứng mong đợi của người dân, BV ĐHYD sẽ triển khai các chuyên khoa mới, các kỹ thuật y học tiên tiến, phức tạp, cụ thể là ghép gan. Mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận điều trị và theo dõi khoảng 100.000 trường hợp viêm gan, phát hiện và điều trị khoảng 1000 trường hợp ung thư tế bào gan; trong đó có khoảng 100 trường hợp người bệnh có chỉ định ghép gan. Vì vậy, với thế mạnh là bệnh viện chuyên sâu về điều trị gan mật cùng đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm, được đào tạo tại các trung tâm phẫu thuật gan mật và ghép gan có uy tín trên thế giới, kỹ thuật ghép gan từ người cho sống và người chết não hiến tặng sẽ giải quyết được nhu cầu của người bệnh, mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho cộng đồng.

BV ĐHYD đã đáp ứng được các nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ nhân viên y tế có năng lực, trình độ chuyên môn về lấy, ghép bộ phận cơ thể người theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế về điều kiện đối với cơ sở y tế lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và trình tự thủ tục cho phép cơ sở y tế hoạt động. Các bác sĩ, điều dưỡng ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, chăm sóc đặc biệt, miễn dịch – thận học, giải phẫu bệnh,.. được cử đi đào tạo tại các trung tâm, bệnh viện lớn, nổi tiếng trên thế giới. Các phòng mổ được bố trí liên hoàn, khép kín, áp lực thông khí dương, bảo đảm vô trùng tuyệt đối cho ghép tạng; trang thiết bị phòng mổ hiện đại ngang tầm với các trung tâm ghép tạng của khu vực, thực hiện được các loại phẫu thuật tim mạch, gan mật, thận niệu. Ngoài ra, các phòng kỹ thuật dành riêng cho việc theo dõi, chăm sóc liên tục người bệnh, đơn vị thực  nghiệm, phòng xét nghiệm, .. được đầu tư bài bản, phục vụ cho hoạt động ghép tạng trong tương lai.

Theo GS TS BS. Trịnh Hồng Sơn, ghép tạng là thành tựu đỉnh cao của y học nhân loại, tuy nhiên, để việc ghép tạng phát triển bền vững thì công tác điều phối giữ vai trò quan trọng, phải tạo được sự công bằng, công khai, minh bạch. Tại Việt Nam, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập ngày 29/6/2013 với các chức năng: Quản lý và điều phối việc hiến, ghép tạng; Truyền thông về hiến, lấy, ghép mô, tạng; Đào tạo và nghiên cứu khoa học; Hợp tác quốc tế và Quản lý đơn vị. Tính đến ngày 31/12/2017, tại Việt Nam đã có 17 trung tâm ghép tạng, thực hiện thành công 2.862 ca ghép trong cả nước. Trung tâm đã đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin toàn diện, đảm bảo hiệu quả trong công tác quản lý, theo dõi, chăm sóc trước, sau khi lấy, ghép tạng và nhất là trong quá trình lấy, xử lý ghép tạng. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin để nhanh chóng đánh giá thực trạng, các thông số chuyên môn của mô, tạng hiến và tìm, điều phối tạng đến người chờ ghép phù hợp thông số y tế vô cùng quan trọng. Khi thời gian kiểm tra, lựa chọn người ghép phù hợp càng thấp thì tỷ lệ khả năng thành công của ca ghép mô, tạng càng cao. GS TS BS. Trịnh Hồng Sơn hi vọng, với sự phát triển vượt bậc về chuyên môn, cơ sở vật chất, BV ĐHYD sẽ là cơ sở y tế tiếp theo thực hiện được việc lấy, ghép tạng trên cơ thể người.

Một số hình ảnh của sự kiện:


Các tin đã đăng