Con thấp còi do rối loạn di truyền mà cứ ngỡ thiếu canxi

23/08/2018 10:52:00

 
Gia đình bé gái 10 tuổi tìm mua đủ loại thực phẩm tăng trưởng chiểu cao cho con, trong đó chủ yếu là bổ sung canxi nhưng tầm vóc của bé vẫn không được cải thiện. Kết quả kiểm tra tại bệnh viện cho thấy, bé bị hội chứng turner (45X0), là một rối loạn di truyền có liên quan đến khiếm khuyết trong nhiễm sắc thể.

Đã bước sang tuổi thứ 10 nhưng bé N.T.N mới chỉ cao 1,25m và nặng 32kg; bé thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa khoảng 12cm. Chiều cao có phần khiêm tốn của N. khiến cho cha mẹ rất lo lắng bởi anh chị và cả anh trai của N. đều có chiều cao lý tưởng.
 
Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, nghĩ rằng tình trạng của N. là do thiếu canxi nên gia đình đã tìm mua nhiều loại thực phẩm tăng trưởng chiều cao, trong đó chủ yếu là bổ sung canxi cho bé sử dụng.
 
Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, kết quả vẫn không thay đổi. Điều đó đã tạo nên nhiều áp lực trong gia đình và tạo mặc cảm rất lớn cho bé. Mẹ bé N. gần như tuyệt vọng vì đã dốc hết sức “chạy chữa” cho tình trạng của con nhưng không cải thiện được gì.

 

Bác sĩ tư vấn về chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ 

 
Tình cờ, trong một lần đưa bé đến đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám bệnh, bé N. đã được tầm soát về chậm tăng trưởng, sau khi được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bé được chẩn đoán bị hội chứng turner (45X0). Đây là một rối loạn di truyền có liên quan đến khiếm khuyết trong nhiễm sắc thể. Bé N. sau đó được chỉ định điều trị bằng hormone tăng trưởng. Sau điều trị một năm, bé tăng thêm 6cm. Hiện tại, bé vẫn tiếp tục điều trị và chiều cao cũng đang tiếp tục được cải thiện.
 
Theo các bác sĩ,  phụ huynh không nên tùy tiện chẩn đoán và làm thầy thuốc tại nhà cho con. Thực tế, chậm tăng trưởng chiều cao có nhiều nguyên nhân. Yếu tố quan trọng nhất là phải đưa trẻ đi tầm soát sớm để biết được nguyên nhân chính xác của việc chậm tăng trưởng để được điều trị sớm và đúng phương pháp.
 
TS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, phòng khám Nhi – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, để tránh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ thì khi sử dụng bất kỳ một sản phẩm nào cần phải xem xét thành phần thuốc, liều dùng, chỉ định dùng cho đối tượng nào và có chống chỉ định gì hay không.
 
“Nếu sử dụng không đúng có thể gây hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Ví dụ, đa phần sản phẩm tăng chiều cao đều chứa canxi. Nhưng cần phải xem đây là loại hợp chất canxi gì, liều dùng như thế nào. Nếu dùng dư thừa có thể gây sỏi thận, suy thận, vôi hóa mô mềm…”, bác sĩ Quỳnh cho hay.
 
Cũng theo TS Quỳnh, chiều cao của trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dinh dưỡng, di truyền, vận động, bệnh lý, môi trường sống và tình trạng dậy thì. Trẻ cần dinh dưỡng tốt, tập luyện thể thao thường xuyên, môi trường sống thoải mái và không bị các bệnh lý mạn tính sẽ giúp phát triển tốt ưu chiều cao của trên nền tảng chiều cao di truyền từ bố mẹ.


Bé bị thấp còi cần được đưa đến bệnh viện thăm khám, có hướng điều trị phù hợp

Vì vậy, việc tầm soát chính xác nguyên nhân chậm tăng trưởng của bé để có phương pháp điều trị phù hợp nhất là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, phụ huynh phải luôn cẩn trọng trong việc dùng các loại thuốc cho con trẻ, phải đến thăm khám trực tiếp và tư vấn từ bác sĩ chuyên môn, tránh trường hợp tự làm bác sĩ tại nhà cho con thông qua các thông tin tìm được trên mạng xã hội. Điều đó không những không điều trị đúng căn nguyên mà còn có thể dẫn đến những ảnh hưởng nguy hiểm đến tình trạng sức khỏe của bé.
 
TS Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hiện tại, bệnh viện đang điều trị nhiều trường hợp trẻ chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng bằng cách tiêm hormone tăng trưởng. Đây là cách điều trị duy nhất được ứng dụng trên thế giới và được chứng minh mang lại hiệu quả tốt. Trong những năm đầu tiên điều trị, trẻ có thể tăng 10 – 12 cm, trong các năm kế tiếp, tốc độ tăng trưởng có giảm nhưng vẫn cao hơn so với những trường hợp không được điều trị.

 
Nguồn: http://phunuvietnam.vn

Các tin đã đăng