Những điều cần lưu ý khi uống thuốc kháng đông?

25/09/2018 15:39:00

Thuốc kháng đông đường uống thường được sử dụng sau phẫu thuật van tim là thuốc kháng Vitamin K

TẠI SAO PHẢI UỐNG THUỐC KHÁNG ĐÔNG? 

Cục máu đông được hình thành bất thường trong cơ thể sẽ rất nguy hiểm, vì nó có thể theo dòng máu đi đến các cơ quan gây thiếu máu nuôi cho cơ quan đó (là nguyên nhân của tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, nhồi máu tạng, và hoại tử chi …)
Bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng đông cho những người bệnh có nguy cơ hình thành cục máu đông cao. Sau mổ tim, kháng đông sẽ được dùng khi người bệnh có:
  • Rung nhĩ (một rối loạn nhịp tim).
  • Van nhân tạo trong tim (Cục máu đông có thể gây ảnh hưởng hoạt động của van nhân tạo, nhất là van cơ học).
  • Sửa van có sử dụng vòng van nhân tạo.
THUỐC KHÁNG ĐÔNG TÁC DỤNG NHƯ THỂ NÀO?

Thuốc kháng đông đường uống thường được sử dụng sau phẫu thuật van tim là thuốc kháng Vitamin K. Trong đó được sử dụng phổ biến bao gồm Sintrom (Acenocoumarol), Coumadin (Warfarin), và Previscan (Fluindione).
Để hình thành cục máu đông hiệu quả, cơ thể cần các yếu tố đông máu, trong đó có một số yếu tố cần Vitamin K để tổng hợp. Thuốc kháng Vitamin K ức chế sự tổng hợp của các yếu tố đông máu này, ngăn chặn sự hình thành và phát triển của cục máu đông có hại cho cơ thể.

KHI UỐNG SINTROM CẦN PHẢI LƯU Ý NHỮNG GÌ ? 

Liều điều trị của Sintrom thay đổi tùy theo từng cá thể, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng theo từng bệnh nhân cụ thể.
Uống Sintrom chưa đủ liều hoặc quá liều đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Để duy trì giới hạn điều trị, cần phải:
  • Tuân thủ điều trị.
  • Thử INR thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.
  • Duy trì lượng Vitamin K ăn vào ổn định.
Tùy từng loại thuốc kháng đông mà bác sĩ sẽ kê thời điểm dùng một hoặc hai lần mỗi ngày. Sintrom có thể uống lúc no hoặc đói, có thể uống chung với các thuốc khác cùng toa. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối liều lượng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không được bỏ hoặc uống hai lần cùng một liều lượng. Nếu quên uống thuốc, người bệnh cần uống sớm nhất khi đã nhớ trong cùng một ngày, không uống gấp đôi liều của ngày hôm sau để bù cho ngày hôm trước. Nếu quên uống thuốc hoặc uống thuốc quá liều, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất có xét nghiệm đông máu để kiểm tra sớm nhất có thể.
Để đảm bảo duy trì tác dụng của Sintrom trong giới hạn cho phép, người bệnh phải thử máu (xét nghiệm INR) mỗi ngày trong những ngày đầu dùng Sintrom và tối thiểu mỗi tháng một lần về sau. Tùy theo bệnh lý mà bác sĩ quyết định duy trì INR trong giới hạn nào. Nếu INR quá thấp, nguy cơ hình thành cục máu đông sẽ cao. Nếu INR quá cao, nguy cơ xuất huyết sẽ tăng, nguy hiểm nhất là xuất huyết não.
Vitamin K hiện diện trong thức ăn với số lượng nhiều hay ít tùy thuộc vào loại thức ăn đó. Thay đổi lượng Vitamin K trong thức ăn hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của Sintrom. Do đó, người bệnh đang sử dụng Sintrom cần tìm hiểu những loại thực phẩm nào giàu Vitamin K và lên kế hoạch duy trì ổn định lượng thức ăn ăn vào mỗi ngày. Không nhất thiết phải kiêng hoàn toàn các thực phẩm giàu Vitamin K.

 
NHỮNG RAU CỦ CHỨA NHIỀU VITAMIN K CỦA VIỆT NAM
 
STT Tên Lượng Vitamin K trong 100mg thực
phẩm ăn được (mcg)
1 Cải bắp 60
2 Cải bắp đỏ 38.2
3 Xà lách xoong 250
4 Cải thìa 35.8
5 Cải mù tạt 497.3
6 Cần tây 29.3
7 Đậu Hà Lan 24.8
8 Giá đậu xanh 33
9 Hẹ lá 47
10 Măng tây 41.6
11 Rong biển khô 24.4
12 Xà lách 173.6
13 Rau rền cơm 1140
14 Rau húng 414.8
15 Rau ngò 310
16 Rau cần 1640
17 Rau muống 482.9
18 Súp lơ trắng 16
19 Súp lơ xanh 20.2
20 Nho Mỹ 14.6
21 Kiwi 40.3
22 Hạt đậu nành 47
23 Hạt đậu trắng 19
24 Hạt điều 34.1
 
Những chế phẩm khác có thể ảnh hưởng đến tác dụng của Vitamin K:
  • Rượu bia: Lượng rượu bia nên uống mỗi ngày: 350mL bia, 120mL rượu vang, 45mL rượu mạnh.
  • Thuốc: Paracetamol, Ibuprofen, Naproxen, Aspirin, thuốc có nguồn gốc thảo dược, một số loại kháng sinh.
  • Một số thực phẩm chức năng, Vitamin E, Vitamin K.
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ khi sử dụng kèm các chế phẩm nêu trên khi đang uống Sintrom.

KHI NÀO CẦN GẶP BÁC SĨ:

Người bệnh đang uống Sintrom cần gặp bác sĩ ngay nếu:
  • Quên uống thuốc hoặc uống thuốc quá liều.
  • Phát hiện có thai hoặc dự định có thai (thuốc kháng Vitamin K có thể gây dị tật thai nhi trong 3 tháng đầu của thai kỳ).
  • Chảy máu quan trọng (Major bleeding):
  • Thay đổi màu nước tiểu sang đỏ hoặc nâu (xuất huyết đường niệu) hoặc màu phân sang đỏ/đen (xuất huyết tiêu hóa).
  • Nôn ra máu đỏ hoặc dịch lợn cợn đen (xuất huyết tiêu hóa).
  • Ho ra máu hoặc ho ra đàm vướng máu.
  • Nhức đầu dữ dội hoặc yếu liệt, hôn mê (xuất huyết não).
  • Chảy máu răng lợi hoặc chảy máu mũi nhiều, không cầm.
  • Cường kinh hoặc rong kinh kéo dài.
 
Tài liệu tham khảo:
  1. http://www.phauthuattimmach.com/2016/10/thuoc-khang-ong-loai-khang-vitamin-k-va.html
  2. http://www.cc.nih.gov/ccc/patient_education/drug_nutrient/coumadin1.pdf
  3. http://www.fao.org/fileadmin/templates/food.../pdf/VTN_FCT_2007.pdf
​Nguồn: trungtamtimmach.com

Các tin đã đăng