Té ngã và đề phòng té ngã

02/05/2014 15:23:00

Té ngã là tình trạng có thể xảy ra với bất cứ ai ngay cả khi khỏe mạnh, thường xảy ra ở người già yếu, trẻ con, sơ ý khi di chuyển, những người khuyết tật cần đến các dụng cụ hỗ trợ. Khi đau yếu, việc té ngã rất dễ xảy ra ở bệnh viện hoặc khi xuất viện về nhà do mất thăng bằng. Té ngã ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe đặc biệt là đối với người bệnh. Người bệnh phải luôn luôn tự đặt câu hỏi cho chính mình: "Tại sao tôi dễ bị té ngã? Làm sao để tôi không bị té ngã ở bệnh viện hay trong môi trường sinh hoạt hàng ngày?". Vậy, làm sao để người bệnh không bị té ngã khi đến bệnh viện hay khi về nhà?
 

Người điều dưỡng có trách nhiệm trong việc hướng dẫn cho người bệnh về cách đề phòng té ngã. Bản thân bệnh nhân và người nhà cũng cần hiểu rõ làm sao để đề phòng té ngã.

Khi nào thì có nguy cơ té ngã trong bệnh viện?

- Tình trạng bệnh đang có.
- Người bệnh vừa mới phẫu thuật.
- Người di chuyển cần đến dụng cụ hỗ trợ.
- Người già, trẻ em.
- Người khuyết tật.
- Người bệnh động kinh.
- Người có tình trạng ý thức bị lẫn lộn.
- Người nằm trên giường không có song chắn.
- Người mắt nhìn kém, tai nghe kém.
- Rời khỏi giường hay ngồi dậy quá nhanh.
- Đi vào nhà vệ sinh một cách vội vã: mắc tiểu, tiêu chảy…
- Người uống trên bốn loại thuốc trong một ngày, đặc biệt các loại thuốc trầm cảm và thuốc huyết áp.
- Địa bàn không quen thuộc.
- Đi trên nền nhà trơn ướt.
- Giày dép không phù hợp.

 

Những lưu ý để tránh té ngã cho người bệnh trong bệnh viện?

- Người bệnh phải gọi ngay điều dưỡng khi muốn vào nhà vệ sinh hay muốn rời khỏi giường khi tình trạng bệnh đang cần được theo dõi.
- Trước khi bước xuống giường nên ngồi trên giường một lúc đến khi thấy an toàn, không chóng mặt, tỉnh ngủ hoàn toàn.
- Mang giày dép phù hợp, có độ bám nền nhà tốt.
- Cảnh báo người bệnh không nên dùng các vật dụng xung quanh như bàn ghế… đặc biệt là những vật dụng có bánh xe để hỗ trợ đi lại.
- Khi nền nhà ướt cần có thông báo cho người bệnh biết.
- Kiểm tra thắng của xe lăn tay trước khi người bệnh ngồi hay đứng lên.
- Bố trí vật dụng cá nhân ở vị trí dễ tiếp cận để người bệnh dễ lấy.
- Hỗ trợ và khuyến khích người bệnh mang kính hay tai nghe khi di chuyển.
- Giường bệnh phải có song chắn và chuông gọi điều dưỡng.
- Điều dưỡng nên hướng dẫn người bệnh và thân nhân về tác dụng phụ của thuốc khi cho người bệnh uống thuốc.

 

Khi người bệnh xuất viện, việc tránh té ngã ở nhà ra sao?
Tuy nhà là nơi quen thuộc với người bệnh nhưng nguy cơ té ngã vẫn có thể xảy ra. Bệnh nhân cần được hướng dẫn khi xuất viện.

- Giường nằm, hành lang và nhà vệ sinh cần được chiếu sáng.
- Công tắc đèn cần để gần tầm tay người bệnh.
- Đèn pin để ngay đầu giường.
- Bật sáng đèn khi đi lại.
- Đặt công tắc đèn ở cả hai đầu của cầu thang và hành lang.
- Dây dẫn các thiết bị điện, điện thoại phải được bố trí gọn, tránh lối đi.
- Sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp và bọc lại các góc cạnh.
- Đặt thảm không bị xê dịch nơi cầu thang.
- Sử dụng thảm tắm không trơn trượt trong bồn tắm và phòng tắm vòi sen.
- Lắp đặt thanh vịn trong phòng tắm vòi sen, bồn tắm và khu vực nhà vệ sinh.
- Ngồi ghế vững khi tắm vòi sen.
- Không bao giờ đi trên sàn ướt.
- Mang dép không trơn trượt, giày gót thấp hoặc dép vừa khít, không bao giờ mang vớ đi lại xung quanh nhà.
- Không bao giờ đứng trên ghế.
- Ngồi trên ghế đẩu phải có tay vịn.
- Nên sơn màu sắc tương phản với cửa kính ngoài trời
- Cẩn thận khi đi trên nền đất không bằng phẳng.
- Khi có dấu hiệu chóng mặt nên ngồi ngay xuống ghế hay mặt đất.
- Gậy chống phải chắc chắn, an toàn.

 

Ánh nắng dịu dàng và thời tiết lạnh báo hiệu mùa Xuân đang đến. Tuy nhiên vào mùa này cũng vẫn có những nguy cơ đặc biệt là cho người cao tuổi. Người cao tuổi có cao huyết áp, khi đi tập thể dục buổi sáng cần giữ ấm và cẩn thận khi phải đi trên đường trơn ướt do sương sớm. Mùa xuân đến, mong mọi điều an lành sẽ đến với tất cả mọi người.

 
CN Nguyễn Thị Ngọc Sương

Các tin đã đăng