Ung Thư Vòm Họng Và Những Điều Bạn Nên Biết

08/09/2019 20:08:00

Ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng là loại hiếm gặp trong các ung thư của đầu-mặt-cổ. Vòm họng là phần trên của họng, nằm dưới nền sọ, trên vòm miệng, và phía sau mũi. Các lỗ mũi sau mở vào vòm họng. Vòm họng còn được gọi là họng-mũi.
Ung thư vòm họng xuất phát từ các tế bào biểu mô của vùng này với sự tăng trưởng vượt mức kiểm soát, xâm lấn các cấu trúc xung quanh, lan đến các hạch ở phần trên cổ và thậm chí lan đến những cơ quan khác của cơ thể (di căn).
 

Các yếu tố nguy cơ của ung thư vòm họng
 

 

Được gọi là yếu tố nguy cơ khi chúng làm tăng khả năng mắc bệnh của người bệnh. Trong số các yếu tố nguy cơ, có những yếu tố có thể thay đổi và có những yếu tố không thể thay đổi. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ được xem là làm tăng khả năng phát triển ung thư vòm họng:

  • Giới: gặp ở nam giới nhiều gấp hai lần ở nữ giới.

  • Tộc người / Dân tộc. Ung thư vòm họng là bệnh phổ biến nhất ở miền nam Trung Quốc và Đông-Nam châu Á (Singapore, Việt Nam, Malaysia, và Philippines). Nó cũng là khá phổ biến ở Tây Bắc Canada và Greenland. Ở Hoa Kỳ, trung bình có dưới 1 người bị ung thư vòm họng trong số 10 vạn người.

  • Rượu và thuốc lá. Tất cả các ung thư đầu-mặt-cổ đều có sự kết hợp mạnh với rượu và thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá – thật vậy, thuốc lá được cho là có liên can đến hơn 80% các trường hợp ung thư họng. Có sự hiệp trợ giữa thuốc lá và rượu (đặc biệt là rượu mạnh và cồn) làm tăng gấp đôi nguy cơ sinh ung.

  • Các nhiễm virut mạn tính cũng làm tăng nguy cơ ung thư đầu-mặt-cổ. Virut Epstein-Barr (EBV) được cho là có liên quan chặt chẽ trong sự phát triển của ung thư vòm họng, trong khi virut u nhú ở người (HPV), virut mụn giộp (Herpes Simplex Virus), và HIV (Human Immunodeficiency Virus) kết hợp với các ung thư khác của đầu-mặt-cổ. Điều này được cho là do các virut này tác động đến chức năng của các yếu tố ngăn chặn gen và các yếu tố đột biến sinh ung.

  • Chế độ ăn uống. Gặp nhiều hơn ở những nơi của châu Á, Bắc Phi, Bắc cực thường tiêu thụ các loại cá và thịt muối. Gặp ít hơn ở các nơi có chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả.

  • Yếu tố di truyền. Các nghiên cứu cho thấy gen của một người có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư vòm họng và có một số loại mô nhất định  có nguy cơ cao phát triển loại ung thư này.

  • Tiền sử gia đình.  Trong gia đình có người bị ung thư vòm họng thì người thân của họ có nhiều hơn khả năng mắc loại ung thư này.

  • Các yếu tố nguy cơ khác. Bao gồm: tình trạng suy giảm miễn dịch (thí dụ sau ghép tạng đặc); các phơi nhiễm trong nghề nghiệp (thí dụ tiếp xúc với chất khoáng a-mi-ăng và perchloroethylene; phóng xạ; các thói quen ăn uống; bẩm chất di truyền; kém vệ sinh mồm miệng; và làm việc ở nơi có nhiều bụi gỗ hay hóa chất formaldehyde có thể có nguy cơ cao bị ung thư vòm họng.

  • Quan hệ tình dục qua đường miệng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy khi phân tích dịch tiết của những bệnh nhân mắc ung thư vòm họng đều thấy có virut HPV là loại virut gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Khi quan hệ tình dục bằng miệng, nếu bạn tình bị nhiễm HPV thì bạn có nguy cơ lây bệnh tương đối cao, xấp xỉ khoảng 90%. Đây cũng chính là nguyên nhân làm gia tăng ung thư họng trong những năm gần đây.

 

 
Các dấu hiệu và triệu chứng

  • Một trong các triệu chứng dầu tiên và thường gặp nhất là một cục sưng u không đau ở phần trên cổ.
  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi
  • Các nhiễm trùng của tai, dễ tái phát
  • Đau hoặc tê bì ở mặt
  • Đau đầu dai dẳng
  • Nghe kém, tiếng kêu trong tai, ù tai
  • Khó há miệng
  • Chày máu mũi hay sung huyết mũi (tịt mũi), ngột ngạt
  • Đau họng

Nên nhớ là các triệu chứng nói trên gặp nhiều hơn trong nhiều các bệnh khác mà ít nguy hiểm hơn nhiều so với ung thư vòm họng. Nếu bạn có một vài triệu chứng nói trên, bạn cần đi khám bác sĩ. Chỉ có nhân viên y tế giàu kinh nghiệm mới có thể phát hiện ung thư vòm họng.
 
Tuy rằng các triệu chứng này dễ nhầm lẫn với những bệnh lý về tai – mũi – họng khác, song để ý cẩn thận vẫn có thể nhìn ra sự khác biệt vì điểm chung của ung thư vòm họng là các dấu hiệu bệnh thường phát sinh ở cùng một bên (ví dụ như đau nửa đầu, nghẹt một bên mũi), nặng dần theo thời gian (đơn cử như ban đầu chỉ bị nghẹt mũi, khó nuốt, về sau có thể chảy máu cam, nổi hạch cổ) và điều trị bằng thuốc không kết quả (thuốc có thể nhất thời làm dịu triệu chứng bệnh nhưng sau 3-4 tuần điều trị vẫn không thể khỏi hẳn, hoặc khỏi một thời gian rồi bệnh lại tái phát). Khi bệnh tới giai đoạn di căn (giai đoạn cuối), các triệu chứng sẽ phát tán nhanh và trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết: hạch to và lan sang các vị trí khác, mất cảm giác ở họng, chảy nước mũi đi kèm máu, đau đầu dữ dội, thính lực giảm hẳn, rối loạn thị giác…
 
Chẩn đoán Ung thư vòm họng
+ Tiến hành khám thực thể các tai, mũi, và họng. Đa số bệnh nhân ung thư mũi-họng thường có cục sưng u ở cổ, đây là dấu hiệu của ung thư đã ăn lan tới các hạch bạch huyết.
+ Có thể nội soi mũi-họng với một ống soi mềm và được chiếu sáng ở đầu ống, đưa qua miệng hay mũi, nhìn thấy những gì phát triển bất thường, chảy máu, hay những vấn đề khác của họng. Khi thấy gì bất thường, bác sĩ sẽ làm sinh thiết và gửi thử giải phẫu bệnh, đây là tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán ung thư vòm họng. Nếu có hạch cổ, có thể chọc kim nhỏ làm sinh thiết.
+ Có thể làm thêm các khám nghiệm hình ảnh học, bao gồm: XQ ngực, chụp cắt lớp, chụp CHT, siêu âm vùng cổ.
+ Các xét nghiệm có thể làm: các thử nghiệm máu, thử EBV. Gần đây các nhà khoa học đã phát triển một phương tiện tầm soát và chẩn đoán mới dựa trên việc định lượng nồng độ EBV trong huyết tương, hay còn gọi là “sinh thiết lỏng”. Khi nồng độ EBV trong huyết tương càng cao thì nguy cơ bệnh nhân mắc ung thư vòm càng nhiều; xét nghiệm này tuy chưa được coi là tiêu chuẩn quyết định cho chẩn đoán bệnh nhưng rất có giá trị trọng việc sàng lọc, định hướng bệnh cũng như tiên lượng bệnh.
 
Khi bạn đã được chẩn đoán ung thư vòm họng, cần làm thêm những khám nghiệm khác để xác định ung thư đã lan rộng đến đâu, đây gọi là đánh giá giai đoạn của ung thư. Ung thư vòm họng được phân giai đoạn từ Giai đoạn 0 (sớm nhất) đến Giai đoạn IV (tiến triển nhất).

  • Giai đoạn 0 gọi là ung thư tại chỗ.

  • Giai đoạn I là giai đoạn sớm của ung thư vòm họng, kích thước thường không quá 2,5 cm, chưa di căn tới hạch bạch huyết hay các phần xa của cơ thể.

  • Giai đoạn II của ung thư vòm họng kích thước khối u lớn hơn lên đến 5-6 cm, đã lan tới các mô gần và các hạch bạch huyết nhưng chưa lan tới các phần xa của cơ thể.

  • Các giai đoạn III và IV được coi là tiến xa hơn về kích thước u, mức độ xâm lấn sang các mô gần, các hạch bạch huyết, và/hay các phần xa của cơ thể. Biểu hiện đặc trưng của các giai đoạn cuối này là xâm lấn và di căn.

 

Tiên lượng sống còn của bệnh nhân ung thư vòm họng phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Theo dữ liệu từ năm 2010 của AJCC, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư vòm họng sống được qua 5 năm tại Hoa Kỳ hiện nay như sau”: giai đoạn I là 72%, giai đoạn II là 64%, giai đoạn III là 62% và giai đoạn IV là 38%. Trong đa số các trường hợp, tiên lượng sống 5 năm là từ 15% đến 70%.

 

Điều trị ung thư vòm họng

  • Tuỳ thuộc vào giai đoạn, vị trí u, tế bào học, sức khoẻ chung của bệnh nhân mà có các phương pháp điều trị hoặc phối hợp điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị chính bao gồm:
  • Xạ trị là phương pháp điều trị được ưa chuộng nhất hiện nay. Hơn nữa, ung thư vòm họng và các di căn của nó có đáp ứng tốt với xạ trị, nhưng thường phải dùng liếu lượng cao. Các trường xạ trị phải đủ rộng để hạn chế khả năng tái phát. Xạ trị tiêu diệt các tế bào ung thư, làm thu nhỏ hoặc loại trừ được các u. Thời gian của xạ trị: 5-6 tuần lễ, rọi tia mỗi ngày. Xạ trị sau phẫu thuật làm giảm nguy cơ tái phát. Khi ung thư không thể chữa khỏi, chỉ tiến hành điều trị giảm nhẹ, xạ trị làm cho ung thư chậm phát triển và hạn chế các triệu chứng.
  • Phẫu thuật nói chung ít được chỉ định cho điều trị ung thư vòm họng vì vị trí khó tiếp cận của khối u và có khả năng cao của các di căn to nhỏ ở thời điểm ung thư được chẩn đoán. Trong số đông trường hợp, phẫu thuật chỉ được đặt ra khi ung thư tái phát sau hóa-xạ trị.
  • Đối với khôi u nhỏ, có thể tiến hành vi phẫu thuật laser qua đường miệng để loại trừ khôi u cùng với 1 cm (2,5 inches) mô chung quanh.
  • Đối với khối u lớn, làm một đường rạch ở cổ, dưới cằm, định khu tổn thương và cắt bỏ khối u.
  • Với các hạch di căn, phẫu tích vùng cổ để lấy bỏ các hạch.
  • Hóa trị cho đến nay chưa thấy có nhiều lợi ích, nhưng có thể sử dụng điều trị bổ sung với cisplatin và 5-FU. Lý tưởng là điều trị phối hợp pan-/triple-endoscopy.
  • Các thuốc sinh học / Điều trị trúng đích. Bao gồm các kháng thể đơn clone như cetuximab (Erbitux), pembrolizumab (Keytruda), và nivolumab (Opdivo). Các thuốc này có thể được sử dụng nhiều hơn trong các trường hợp tiến triển hoặc ung thư tái phát.

 

ThS BS. Nguyễn Văn Thành - Khoa Tai Mũi Họng.

Các tin đã đăng