Khoa Gây mê hồi sức: Tất cả vì an toàn người bệnh

26/02/2020 09:44:00

Cánh cửa phòng mổ đóng lại, đèn phẫu thuật bật sáng, bác sĩ gây mê lùi lại phía sau tấm màn xanh để phẫu thuật viên tiến hành cuộc mổ. Khi đó, bác sĩ gây mê đóng vai trò như một “người gác cổng” âm trầm quan sát từng dấu hiệu sinh tồn của người bệnh.

Sức mạnh từ sự phối hợp nhịp nhàng và quy trình chặt chẽ

Trải qua quãng thời gian 25 năm cống hiến trong lĩnh vực gây mê hồi sức, TS BS. Phan Tôn Ngọc Vũ – Trưởng Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) chia sẻ chuyện nghề hay được ngợi ca là “những người hùng thầm lặng”. Thế nhưng Ông nhận định nghề gây mê hồi sức ngày nay không còn “thầm lặng” nữa mà đã được đông đảo người bệnh, đồng nghiệp và cộng đồng “ghi nhận” và quan tâm rộng rãi.

Một ê-kíp phẫu thuật hiện đại gồm có sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức, Khoa lâm sàng và Khoa Cận lâm sàng từ khi nhận bệnh đến khi người bệnh xuất viện. Vì vậy bác sĩ gây mê không còn giới hạn hoạt động trong phạm vi phòng mổ. Giờ đây trước khi phẫu thuật, người bệnh được khám sàng lọc trước mổ nhằm phát hiện những bệnh lý nền. Từ đây, bác sĩ gây mê cùng với các bác sĩ điều trị sẽ tập trung ổn định tình trạng sức khoẻ của người bệnh, tiên lượng và tìm cách giảm thiểu những rủi ro trong quá trình mổ có thể xảy ra. Để làm được điều đó, TS BS. Phan Tôn Ngọc Vũ tâm đắc, mọi hoạt động ở Bệnh viện đều dựa vào quy trình chuẩn và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận.

Có thể nói bác sĩ gây mê đồng hành cùng người bệnh từ đầu đến cuối, nhất là những lần thập tử nhất sinh. Mỗi quá trình trước, trong và sau mổ, người bệnh đều được các bác sĩ theo dõi sát sao bằng những quy trình an toàn người bệnh, nổi bật là quy trình hồi phục sớm sau mổ (ERAS – Enhanced recovery after surgery) được chắt lọc từ hệ thống y tế Châu Âu hiện đại. Thông qua những quy trình này, sự an toàn cho người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu người bệnh phải trải qua cuộc mổ lớn hay nhỏ. Đặc biệt là với đối tượng người cao tuổi, thường mắc nhiều bệnh lý kết hợp, để thực hiện tốt công tác chuyên môn thì ê kíp gây mê còn phải tường tận các kiến thức về bệnh lý nền của người bệnh để tính toán loại thuốc, liều lượng thuốc sử dụng trong quá trình phẫu thuật. Có khi suốt cuộc mổ bác sĩ phải sử dụng hơn 10 loại thuốc khác nhau để duy trì mê, hỗ trợ phẫu thuật viên đạt được mục tiêu điều trị tối ưu cho người bệnh. BS. Phan Văn Dũng – Khoa Gây mê hồi sức BV ĐHYD TPHCM chia sẻ: “Kiến thức trong ngành gây mê rất nhiều, để trở thành một bác sĩ gây mê giỏi thì ngoài chuyên môn, bác sĩ gây mê còn phải đáp ứng được khối lượng kiến thức về bệnh lý ngoại khoa và tâm lý phẫu thuật.”

Không chỉ thực hiện gây mê và hồi sức sau mổ cho người bệnh, “giảm đau” là một phần không thể thiếu trong các hoạt động chuyên môn của Khoa. Điển hình ngoài phòng mổ, đội ngũ gây mê phối hợp với Khoa Nội soi thực hiện phương pháp nội soi không đau (nội soi gây mê), phối hợp với Khoa Phụ sản phương pháp sinh không đau (gây tê màng cứng) cũng như các can thiệp không đau khác để người bệnh tiếp nhận hỗ trợ y tế một cách nhẹ nhàng.  

Văn hóa an toàn được bồi đắp qua từng thế hệ

Mặc dù công việc ở phòng mổ rất áp lực, nhưng các y bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng và nhân viên y tế tại Khoa Gây mê hồi sức đều đồng lòng hướng mục tiêu chung là đem đến sự an toàn tối đa dành cho người bệnh. Khẩu hiệu “An toàn – Chất lượng – Hiện đại” là giá trị cốt lõi mà các thế hệ đi trước đã không ngừng bồi đắp, tạo nên một văn hóa an toàn trong mọi hoạt động. Hệ thống phòng mổ, các trang thiết bị, dụng cụ liên tục được khử khuẩn, tiệt trùng theo quy trình chuẩn do Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV ĐHYD TPHCM phối hợp. Trước khi mổ, người bệnh được khám sàng lọc, người bệnh và người nhà người bệnh đều được hướng dẫn chi tiết về quá trình gây mê. Sau khi mổ, người bệnh được theo dõi kĩ lưỡng với hệ thống máy móc tối tân và mật độ 2 điều dưỡng trên 1 người bệnh.

Để tổ chức được một hệ thống chăm sóc và điều trị tối ưu như thế với trung bình 25.000 người bệnh mỗi năm, tất cả đều nhờ vào tinh thần đoàn kết của tập thể Khoa dưới sự sắp xếp và điều động kịp thời của người lãnh đạo. Chị điều dưỡng Ngô Thị Bạch Huệ - Khoa Gây mê hồi sức BV ĐHYD TPHCM gắn bó với công việc này từ năm 2004, chị tâm sự, chị lựa chọn công việc này vì muốn xoa dịu nỗi đau cho người bệnh, nhưng để giữ lửa với công việc và công tác tại BV ĐHYD TPHCM suốt 16 năm qua là nhờ vào tình cảm gắn bó với mọi người.

Cuộc đời thì ngắn, mà nghề thì quá dài để học”, công việc gây mê đòi hỏi các y bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng và nhân viên y tế liên tục nâng cao tay nghề. Bước chân vào cánh cửa phòng mổ, bác sĩ gây mê là chỗ dựa, là niềm tin của người bệnh trong những giờ phút chiến đấu cam go với tử thần. Và khi phẫu thuật thành công, người bệnh hồi phục an toàn là niềm hạnh phúc quý giá mà tất cả y bác sĩ dành hết mọi thời gian của họ để phụng sự. Niềm hạnh phúc ấy, tuy đơn giản nhưng lại vĩ đại vô cùng!


TRƯỞNG KHOA_BS PHAN TÔN NGỌC VŨ
 







 

Các tin đã đăng