Những Tiếng Rắc Ở Cổ : Liệu Có Tốt Không Hay Tôi Nên Dừng Lại

16/04/2020 19:11:00

Xoay cổ qua lại để tạo nên những tiếng rắc rắc là một thói quen khá phổ biến. Rất nhiều người trong chúng ta hay làm vậy. Không chỉ ở cổ, chúng ta còn hay bẻ các khớp ngón tay, ngón chân, vặn lưng, xoay cổ… tạo nên những tiếng động. Nhưng không phải tất cả các vận động đó đều có chung một lý do. Một số người làm vậy để giảm áp lực khi họ cảm thấy mỏi vai hay cổ, hoặc là một phản ứng với căng thẳng và mệt mỏi khi đứng hay ngồi lâu một tư thế. Ở một số khác, chỉ đơn giản là thói quen.

Nhưng có phải thật sự tất cả những tiếng rắc rắc ở cổ ấy đều có lợi? Câu trả lời là: có thể đúng, có thể sai. Xoay cổ nhẹ nhàng và không thường xuyên sẽ không gây hại, nhưng làm không đúng, quá thường xuyên, hay quá mạnh có thể gây đau, không thoải mái là có hại.

ĐẠI CƯƠNG VỀ CẤU TRÚC CÁC KHỚP

Khớp được tạo nên bởi hai đầu xương gặp nhau.
Cấu trúc của một khớp động. Ngoài cùng là bao khớp, bao này được tăng cường bởi các dây chằng và các gân cơ. Trong cùng, giữa các sụn khớp bọc các đầu xương là bao hoạt dịch, bao này tiết ra hoạt dịch hay dịch khớp  làm trơn khớp; hoạt dịch cũng mang nguồn dinh dưỡng từ máu đến nuôi sụn khớp. Các sụn khớp tạo ra một bề mặt nhẵn giúp cho khớp vận động dễ dàng. Quá trình trao đổi chất giữa các tế bào sụn khớp và môi trường dịch khớp sinh ra các sản phẩm trao đổi chất trong đó có các khí như ôxy, ni-tơ, CO2. Khi bạn xoay cổ hay bẻ các khớp khác trên cơ thể, bao khớp dãn ra làm giảm áp suất bên trong khớp và dẫn đến hiện tượng thoát các khí trong dịch khớp.



Các khớp bán-động. Thí dụ các khớp của khung chậu và cột sống, kém mềm dẻo nhưng ổn định và vững chắc hơn.
Cột sống cổ. Được chia làm hai đoạn: cột sống cổ cao gồm C1 và C2 và cột sống cổ thấp từ C3 - C7. Cột sống cổ cao có cấu trúc đặc trưng thích nghi với chức năng chính đảm nhiệm việc xoay cổ, khoảng 50% gấp duỗi cổ gặp giữa xương chẩm và C1, 50% xoay cổ gặp giữa C1 và C2. Cột sống cổ thấp gồm những đốt sống­ cổ điển hình giống nhau, gồm có: thân đốt, các cuống, bản sống, mỏm gai, và các khối mặt khớp.. Cột sống cổ có độ vận động lớn hơn nhiều so với cột sống ngực và thắt lưng. Hai bên cột sống cổ có những lỗ ngang để cho các động mạch đốt sống đi lên sọ, cung cấp máu cho não.



Ở cổ, có một hệ thống các khớp nối các đốt sống cổ với nhau ở hai bên gọi là các khối mặt khớp, được bao bọc bởi dây chằng và bao khớp. Khi bạn cử động cổ, cúi ngửa hay xoay đầu qua hai bên, bao khớp giãn ra làm giảm áp suất bên trong khớp đưa đến hiện tượng thoát các khí trong dịch khớp, tạo nên tiếng lốp bốp. Âm thanh này giống như tiếng nước sôi hoặc sục khí vào nước. Điều này thường là vô hại, hơn nữa còn làm cho bạn có cảm giác như được giảm áp lực cho vùng cổ.

TIẾNG RẮC TỪ ĐÂU RA?
Cho đến nay người ta vẫn chưa thật rõ về điều này. Thí dụ như tập thể dục với các bài tập lặp đi lặp lại, nâng vật nặng, tập hít đất, mỗi khi gấp tay hay chân… có thể sinh ra tiếng kêu. Các nguyên nhân có thể là:

Sự thoát các khí trong dịch khớp:
  • Sự tạo ra các bóng khí, thông thường là ôxy, nitơ, và CO2, khi khớp giãn rộng.
  • Hiện tượng tạo các hốc trống trong khớp – là các hốc nhỏ với một phần là chân không và các khí hình thành trong hoạt dịch của khớp, to dần lên, rồi vỡ ra xì hơi nhanh và mạnh, sinh ra một tiếng kêu sắc chói tai. Khi các dây chằng khớp bị nhão, khuynh hướng tạo các hốc trống tăng lên.

Sự vận động của các khớp, các gân và dây chằng :
  • Cơ bị căng hết mức, chặt khít, cọ xát quanh xương. Khi khớp vận động, vị trí các gân thay đổi và bị xê dịch nhẹ, khi về lại đúng vị trí có thể phát ra tiếng kêu. Gân cơ cọ xát vào xương cũng vậy, có thể gây tiếng kêu. Khớp vai hay bị kêu nhất vì nó có nhiều bộ phận vận động và có nhiều gân vận động trượt trên các xương.
  • Duỗi nhanh các dây chằng của khớp.
  • Các bám dính ở trong khớp bị phá vỡ.

Các vùng thô ráp của các mặt khớp:
  • Cộng thêm tuổi, khớp càng thêm ồn. Khi người ta già đi hoặc khi bị viêm khớp, sụn khớp bao đầu xương bị bong ra tại một số nơi, mặt khớp trở nên thô ráp và làm phát sinh tiếng kêu khi hai đầu xương cọ xát vào nhau.
  • Tiếng tanh tách là tiếng kêu của các dây chằng hay mô sẹo khi trượt trên các chỗ nhô cao của xương.

Sau tiếng kêu, nếu muốn lặp lại lần nữa thì phải chờ khoảng 20 phút (tức giai đoạn trơ. Trong giai đoạn này, các khí từ từ được hấp thu trở lại vào hoạt dịch. Năm 2018, bằng mô hình toán học với phép mô phỏng, người ta chứng minh được là các bóng khí to chỉ xì hơi một phần và tạo ra tiếng kêu, để lại những bóng khí khác nhỏ hơn trong hoạt dịch.

LÀM SAO ĐỂ TRÁNH CÁC TIẾNG RẮC ĐÓ?
Thức dậy, vận động trong ngày càng nhiều càng tốt. Như người ta thường khuyên bảo “Bạn vận động càng nhiều, cơ thể bạn tự nó sẽ được bôi trơn càng nhiều” hay “Khi bạn chỉ biết hết ngồi lại nằm, dịch trong các khớp không có chuyển dịch. Bạn càng năng động, các khớp của bạn tự nó sẽ được bôi trơn càng nhiều”.

LỢI ÍCH RA SAO?
Các nghiên cứu đã cho thấy là các động tác nắn bẻ cổ thực hiện bởi các bác sĩ hay các chuyên gia vật lý trị liệu có tác động tích cực về mặt tinh thần. Rất nhiều người tin rằng tiếng rắc ấy giúp giảm áp lực vùng cổ và nắn chỉnh các di lệch của cổ về đúng vị trí. Trong một số trường hợp, chỉ nghe tiếng rắc cũng đã có thể giúp người ta cảm thấy khỏe hơn, cho dù là trong thực tế nó không thể giúp giảm áp lực hay nắn chỉnh gì cả. Đây cũng lại là một tác dụng tinh thần, giống như ta thử một loại giả dược vậy.

Trong nắn chĩnh sai lệch ở cổ và tạo tiếng rắc, do những chiropractor là những người chuyên chữa bệnh bằng phương pháp nắn khớp xương thực hiện, cũng có thể giúp tuyến yên phóng thích các endorphins là những chất giảm đau tự nhiên của cơ thể.

NGUY CƠ LÀ NHỮNG GÌ?
Hành động này có thể gây hại cho cơ thể nếu làm quá thường xuyên và không đúng cách. Chúng ta nên nhớ rằng cổ là vùng quan trọng và nguy hiểm. Tại vùng cột sống cổ có những cơ quan rất quan trọng như tủy sống, các rễ thần kinh, các động mạch chính đi lên não. Xoay cổ quá mạnh và thường xuyên để tạo ra tiếng rắc có thể làm tổn thương đến mạch máu tạo thành cục máu đông đi vào não gây tai biến mạch máu não.

Hành động xoay bẻ cổ quá mạnh cũng có thể gây kẹt các rễ thần kinh, làm đau và khó cử động cổ. Ngoài ra cử động cổ quá mạnh còn gây căng cơ quanh cột sống cổ. Khi các cơ bị căng, cử động cổ sẽ trở nên khó khăn. Khi bạn vận động cổ thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng quá động của vùng này, túc là biên độ cử động của khớp sẽ lớn hơn bình thường. Các dây chằng bao khớp của bạn bị giãn ra, khó hồi phục. Điều này dẫn đến mất vững cột sống cổ, có nguy cơ dẫn đến thoái hóa cột sống cổ và chèn ép thần kinh đòi hỏi phải can thiệp điều trị làm vững cột sống cổ.


KHI NÀO BẠN CẦN ĐI KHÁM BÁC SĨ?
  • Khi bạn làm thường xuyên những tiếng rắc ở cổ nhưng không còn cảm thấy thoải mái nữa hoặc thậm chí còn thấy khó chịu, đau nhức sau đó.
  • Khi cổ bạn sưng nề, tấy đỏ, thậm chí là chấn thương làm hạn chế vận động.
  • Khi bạn có những cơn đau mạn tính kéo dài ở vùng cổ, hay thậm chí là tê yếu hai tay hoặc tứ chi.
Hãy đến gặp các bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn điều chỉnh lại tư thế, hướng dẫn bạn cách làm đúng, chẩn đoán và giải quyết các nguyên nhân gây ra vấn đề cho cái cổ của bạn.
 

 

LỜI KẾT
Những tiếng rắc ở cổ có thể có tác động tốt đến cơ thể nếu chúng ta làm đúng cách và không quá lạm dụng, tuy nhiên điều này sẽ trở nên có hại nếu chúng ta làm không đúng cách, quá mạnh hay quá thường xuyên. Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có những bất thường khó chịu ở vùng cổ của bạn, đây là một vùng quan trọng và có thể phát sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Khi tiếng rắc ở cổ xảy ra đơn độc thì thường là vô hại. Nhưng khi tiếng rắc đi kèm với đau hay phù nề thì đó là chỉ điểm cho một vấn đề gì đó về y khoa, bạn cần đi khám bác sĩ. Một tiếng kêu leng keng to, âm độ thấp (tiếng kim loại va chạm nhau) có thể là một báo hiệu cho các vấn đề nghiêm trọng của khớp, nhất là ở trẻ em.


ThS BS. Hoàng Nguyễn Anh Tuấn – Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược.

 

Các tin đã đăng