Những điều cần biết về nhịp tim chậm

02/05/2020 08:11:00

THẾ NÀO LÀ NHỊP TIM CHẬM?
Ở hầu hết mọi người, tần số tim từ 60 đến 100 nhịp trong 1 phút khi nghỉ được xem là bình thường. Nếu tim của bạn đập dưới 60 nhịp trong 1 phút thì được xem là chậm hơn bình thường. Nhịp tim chậm có thể gặp ở người bình thường khỏe mạnh. Tuy nhiên, nó có thể là dấu hiệu bất thường của hệ thống điện học trong tim.

Đối với một số người, nhịp tim chậm không gây ra vấn đề gì. Nó còn có thể là biểu hiện của tình trạng sức khỏe tốt. Người trẻ khỏe mạnh và vận động viên thường có nhịp tim dưới 60 nhịp trong một phút. Ở một số người khác, nhịp tim chậm là dấu hiệu của bất thường hệ thống điện học trong tim. Điều này có nghĩa là, ổ phát nhịp tự nhiên của tim không hoạt động thích hợp hoặc đường dẫn truyền điện học trong tim bị tắc nghẽn. Trong trường hợp nhịp chậm quá mức tim không bơm đủ máu cho nhu cầu của cơ thể, khi đó có thể gây ra triệu chứng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Người cao tuổi (60-65 tuổi) dễ có nguy cơ xuất hiện nhịp chậm cần phải điều trị vì họ thường có hệ thống điện học trong tim không hoạt động bình thường. Nhịp chậm xuất hiện ở người cao tuổi (60-65 tuổi) thường do bệnh lý và cần được xem xét điều trị. Hình ảnh điện tâm đồ của bệnh nhân có rối loạn nhịp chậm: khoảng ngưng tim kéo dài, không có sóng điện tim:



NGUYÊN NHÂN NÀO GÂY NHỊP CHẬM ?
Nhịp chậm có thể gây ra bởi:
  • Những thay đổi của tim do quá trình lão hóa.
  • Bệnh lý gây tổn thương hệ thống điện học trong tim: bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, nhiễm trùng trong tim.
  • Các tình trạng làm chậm dẫn truyền xung động điện trong tim: suy tuyến giáp, rối loạn điện giải.
  • Một số thuốc điều trị bệnh tim mạch như thuốc chống loạn nhịp, thuốc trợ tim Digoxin, thuốc chẹn beta giao cảm…

TRIỆU CHỨNG CỦA NHỊP CHẬM?
Nhịp tim rất chậm có thể làm cho bạn:
  • Cảm giác chóng mặt.
  • Khó thở và không gắng sức được.
  • Mệt mỏi.
  • Đau ngực, cảm giác tim đập mạnh, hồi hộp.
  • Lú lẫn, khó tập trung.
  • Ngất xỉu, mất ý thức.
Một số người không có triệu chứng hay triệu chứng quá nhẹ khiến họ cho rằng đó chỉ dấu hiệu thông thường của tuổi già. Bạn có thể cảm nhận được tim mình đập nhanh hay chậm khi tự bắt mạch. Nếu bạn thấy nhịp tim của mình chậm hay bất thường, hãy nói với bác sĩ của mình.

NHỊP TIM CHẬM ĐƯỢC CHẨN ĐOÁN NHƯ THẾ NÀO?
Bác sĩ có thể nghe tim hoặc bắt mạch của bạn để chẩn đoán nhịp chậm. Bạn cũng được thăm khám, hỏi về tình trạng sức khỏe trước đây, đo điện tâm đồ ghi nhận nhịp tim của bạn. Nhịp chậm thường xuất hiện từng lúc, cho nên điện tâm đồ thông thường tại phòng khám có thể không tìm thấy. Điện tâm đồ chỉ phát hiện được nếu bạn có nhịp chậm trong lúc nghỉ.

Có thể bạn cần đeo máy đo điện tim lưu động. Thiết bị nhỏ gọn này còn được gọi là Holter điện tim. Bạn sẽ mang nó trong một hoặc nhiều ngày để ghi nhận nhịp tim của bạn trong hoạt động hàng ngày. Bạn cũng đươc làm xét nghiệm máu để tìm các nguyên nhân khác gây nhịp chậm.

NHỊP TIM CHẬM ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?
Nhịp chậm được điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và triệu chứng . Nếu nhịp chậm không gây triệu chứng, nó thường không cần thiết phải điều trị. Nếu tổn thương hệ thống điện học làm tim của bạn đập quá chậm, bạn có thể cần phải đặt máy tạo nhịp. Đó là một thiết bị được cấy dưới da nhằm giúp điều hòa lại nhịp tim. Người trên 65 tuổi thường có rối loạn nhịp chậm đòi hỏi phải đặt máy tạo nhịp.

Nếu bạn có các vấn đề y khoa khác gây nhịp chậm như suy giáp hoặc rối loạn điện giải, việc điều trị các bệnh lý này có thể chữa khỏi nhịp chậm. Nếu nhịp chậm gây ra bởi thuốc, bác sĩ của bạn sẽ chỉnh lại liều hoặc kê toa thuốc khác. Nếu bạn bắt buộc phải uống các thuốc này, bạn có thể cần phải đặt máy tạo nhịp. Mục tiêu của việc điều trị là làm tăng nhịp tim đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nếu nhịp tim chậm quá mức, nó có thể đưa đến các vấn đề nghiêm trọng như ngất xỉu, chấn thương do té ngã, co giật hoặc thậm chí tử vong.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ TẠI NHÀ KHI BỊ NHỊP CHẬM ?
Nhịp chậm thường là hậu quả của một bệnh lý tim khác, vì vậy việc có một đời sống khỏe mạnh thường sẽ cải thiện sức khỏe chung của bạn. Bao gồm:
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: ăn nhiều trái cây, rau xanh, cá, ăn ít chất béo.
  • Vận động thể lực mỗi ngày.
  • Giảm cân nặng nếu có thừa cân, béo phì.
  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Điều trị các bệnh lý khác như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.
Cần đi cấp cứu ngay nếu bạn bị ngất hoặc nếu có triệu chứng đột quị, khó thở. Gọi bác sĩ ngay nếu thấy nhịp tim của bạn chậm hơn bình thường, cảm giác mắt tối sầm hoặc khó thở.

MÁY TẠO NHỊP TIM
Là giải pháp điều trị cần thiết cho các bệnh nhân bị rối loạn nhịp chậm có triệu chứng. Hầu hết mọi người sau đặt máy tạo nhịp sẽ trở về cuộc sống bình thường, năng động. Bạn sẽ cần phải tránh một số thứ như là các vùng có điện từ trường mạnh. Điều này giúp cho máy tạo nhịp hoạt động chính xác. Hầu hết các thiêt bị điện tử gia dụng thì an toàn khi sử dụng.



Bác sĩ sẽ kiểm tra máy tạo nhịp của bạn định kì. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ máy hoạt động không thích hợp, như là:
  • Nhịp tim quá nhanh hay quá chậm, cảm giác lỡ nhịp.
  • Chóng mặt, ngất xỉu.
  • Khó thở mới xuất hiện hoặc nặng thêm.

Khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

 

Các tin đã đăng