Thông tin người bệnh sau mổ rò trực tràng - âm đạo

29/05/2020 10:36:00

TẠI BỆNH VIỆN 

Vận động 

  • Sau khi được chuyển về phòng bệnh, người bệnh nằm nghỉ ngơi tại giường. Tránh ngồi dậy đột ngột vì có thể gây nhức đầu hoặc nôn ói. 

  • Sau mổ từ 8-10 giờ, người bệnh có thể ngồi dậy, tập đi lại và tự làm vệ sinh cá nhân nhưng cần có người hỗ trợ.  

  • Sau 24 giờ, người bệnh có thể tự đi lại.

Vết mổ 

  • Cảm giác thốn, đau âm ỉ quanh vùng trực tràng – âm đạo. 

  • Người bệnh được thay băng vết mổ hàng ngày tại phòng bệnh. 

  • Sau mổ từ 5-7 ngày, người bệnh nhịn ăn uống, được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch và lưu thông tiểu. Tùy theo tình trạng vết mổ, một số trường hợp cần nhịn ăn uống đến 10 ngày. 

  • Những ngày đầu sau mổ, âm đạo có thể chảy dịch màu hồng hoặc vàng. Sau vài ngày sẽ chuyển sang màu vàng hoặc nâu. Nếu băng vết mổ ướt, vui lòng báo nhân viên y tế thay để giữ vết mổ luôn khô. 

  • Sau khi đi vệ sinh, nên làm sạch từ trước ra sau giúp hạn chế nhiễm trùng vết mổ (khi người bệnh được ăn lại). 

Chế độ ăn 

  •  Ăn uống theo sự hướng dẫn, dặn dò của bác sĩ và điều dưỡng. 

  • Thông thường trong 5-7 ngày đầu sau mổ, khi nhịn ăn theo chỉ định của bác sĩ,  người bệnh được nuôi dưỡng qua đường truyền tĩnh mạch.  

  • Sau đó, người bệnh ăn đồ ăn loãng (nước súp, cháo loãng, nước yến…) cho đến đặc dần (cháo đặc, cơm…).  

  • Nên uống nhiều nước (ít nhất 2 lít/ngày), ăn nhiều rau củ, thịt, cá, trái cây,… hạn chế tiêu, ớt, rượu, bia, cà phê, thuốc lá, trà đặc để phòng ngừa táo bón. 

​​​​​​​Vệ sinh cá nhân 

  • Báo với nhân viên y tế khi có những dấu hiệu bất thường như nước tiểu không ra kèm bàng quang căng tức. Nhân viên y tế vệ sinh vết mổ và sonde tiểu mỗi ngày. 

  • Người bệnh có thể tự làm vệ sinh cá nhân khi đi lại được. 

  • Sẽ không đi tiêu do nhịn ăn, tiểu qua sonde, có thể đau, rát và chảy ít máu. 

  • Người bệnh được hướng dẫn cách vận động khi có sonde tiểu, dây dịch truyền … 

  1. Báo với nhân viên y tế khi 

  • Vết mổ chảy nhiều máu. 

  • Đi tiêu khi đang nhịn ăn hoặc cảm giác nặng hậu môn, nước tiểu bị rò ra ngoài khi đang đặt thông tiểu. 

  • Đau nhiều, sốt, lạnh run. 

  • Hoặc bất cứ những biểu hiện làm người bệnh khó chịu. 
    ​​​​​​​
SAU XUẤT VIỆN 
  • Giữ khô vùng trực tràng – âm đạo. Sau khi đi tiêu, rửa hậu môn bằng nước ấm, dùng khăn mềm hay gạc thấm khô, lót gạc hoặc dùng băng vệ sinh. 

  • Nếu đi tiêu ra máu, hoặc ra máu ở âm đạo, liên hệ Khoa Hậu môn – Trực tràng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM để được tư vấn (qua điện thoại). 

  • Nếu vết mổ chảy nhiều máu (chảy máu thành tia), dùng gạc tẩm oxy già ấn chặt liên tục vào ngay điểm chảy máu từ 5-15 phút rồi băng ép lại. Nếu không hết chảy máu thì đến ngay bệnh viện gần nhà để được cầm máu. 

  • Thời gian hồi phục khác nhau tùy từng người, có thể kéo dài từ 8-12 tuần. 

  • Nên TRÁNH thụt rửa âm đạo, làm việc nặng cho đến khi được sự đồng ý và hướng dẫn của bác sĩ. 

  • Ăn uống bình thường, nên ăn nhiều rau củ, thịt cá, trái cây... và uống nhiều nước (ít nhất 2lít/ngày). Hạn chế tiêu, ớt, rượu bia, thuốc lá, trà đặc để tránh táo bón, rặn nhiều hoặc đi tiêu quá nhiều lần trong ngày vì dễ chảy máu vết mổ. 

  • Trở lại làm việc khi cảm thấy giảm đau. Hạn chế ngồi lâu, ít nhất là trong 4 tuần đầu sau mổ. 

  • Hạn chế đi xe máy trong 8 tuần sau mổ.  

  • Sinh hoạt tình dục sau 12 tuần. 

  • Tái khám đúng hẹn. 

  • Trở lại bệnh viện khi có các dấu hiệu sau: 
    Vết thương không lành, sốt, ớn lạnh, chảy máu nhiều không cầm được máu.  
    Rò phân qua ngã âm đạo.
    Đi tiêu đau hậu môn kéo dài nhiều giờ, dùng thuốc giảm đau không khỏi. 
     

    CNĐD. Phạm Thị Lý - Khoa Hậu môn Trực tràng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

     

Các tin đã đăng