Thương

16/06/2020 15:40:00

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”, câu hát trong bài “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Long Ẩn, là câu hát tôi thường nghĩ tới và để an ủi mình mỗi khi có người hỏi “Sao bao nhiêu nghề không chọn, chọn làm điều dưỡng để vất vả quá vậy?”. Thực ra ngành nghề nào cũng có sự vất vả của nó, nhưng ai cũng chọn an nhàn rồi thì ai là người sẽ đứng ở nơi khó khăn? Hơn hai năm trong nghề, dường như tôi cũng hiểu được sự khó khăn, vất vả, đầy hi sinh của những người điều dưỡng nói riêng và tất cả nhân viên y tế nói chung.
Người ta nói, càng đi nhiều, trải nghiệm nhiều thì sẽ càng thấm được cuộc đời này. Đã là một nhân viên y tế, một người điều dưỡng, hàng ngày nhìn thấy nhiều hoàn cảnh khác nhau, những câu chuyện khác nhau, tôi thấy thương lắm. Đó là hai vợ chồng già ân cần chăm sóc lẫn nhau, là người tóc bạc chăm người tóc xanh, là những gia đình không đủ kinh tế để tiếp tục điều trị, hay những con người không còn đủ sức lực để níu kéo sự sống. Thương những gương mặt hốc hác, đôi mắt lo âu vì lo lắng cho người thân đến nỗi quên ăn, quên ngủ.
Cũng thương cho những chị đồng nghiệp mang bầu nhưng vẫn cố gắng chăm sóc người bệnh, thương những đôi chân đau nhức hàng đêm vì quá bận rộn trong ca trực. Có những người mẹ tranh thủ giờ cơm gọi điện hỏi thăm con cái, với họ tiếng gọi “mẹ ơi”, “con thương mẹ”, “con yêu mẹ” là liều thuốc xua đi bao mệt mỏi, như được tiếp thêm năng lượng để chiến đấu. Thương các anh chị đã lựa chọn chăm sóc người bệnh thay vì chăm con ốm ở nhà, chỉ vì sợ đồng nghiệp mình sẽ quá vất vả do thiếu nhân lực. Họ thực sự là những người bố, người mẹ vĩ đại, đáng kính với sự hi sinh cao cả. Thương cho bố mẹ những lúc bệnh tật, người chăm sóc không phải là con, vì lúc nào cũng giả vờ khỏe mạnh để con yên tâm làm việc.
Tôi tự hào vì có gia đình luôn ủng hộ, động viên tôi lúc khó khăn, chán nản nhất. Tôi cũng tự hào về chính bản thân mình vì đã cố gắng trong công việc này, để hàng ngày được những người đồng nghiệp chia sẻ khó khăn, vất vả, để có thể nhận được những lời thăm ấm áp từ người bệnh như: “Cô ăn cơm chưa?”, “Cực quá cô nhỉ, cố lên nha cô”, “Đồng phục ở đây đẹp nhất đó cô”…
Cảm ơn tất cả những người tôi…thương. Đây chính là động lực, là niềm tin để tôi tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa.

CNĐD. Lâm Thị Nga – Khoa Hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Bài thi đạt giải Ba trong cuộc thi viết "Điều dưỡng UMC - Những cung bậc cảm xúc"

Các tin đã đăng