Bạch hầu tái xuất do không tiêm chủng

09/07/2020 13:30:00

TS BS. Huỳnh Minh Tuấn - Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, khi không tiêm chủng, không tiêm đủ các mũi vaccine, cơ thể không tạo được khả năng miễn dịch với bệnh bạch hầu. Một số trường hợp hiếm gặp đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh, có thể do cơ địa khiếm khuyết trong hệ miễn dịch nên không tạo được khả năng miễn dịch.

Đối với người lớn, khả năng miễn dịch suy giảm dần theo thời gian, nếu không tiêm nhắc lại cũng có nguy cơ tái nhiễm, trở thành nguồn lây trong cộng đồng. Đặc biệt, người mẹ nếu không có miễn dịch trước thì sẽ không thể truyền kháng thể thụ động sang con, không bảo vệ con được trong những tháng đầu đời do trẻ từ 6 đến 8 tuần tuổi mới có thể tiêm vaccine phòng bệnh. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo cần đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu và chủ động phòng bệnh, tiêm vaccine (với người lớn) và đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Tiêm vaccine là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh.

Cục Y tế Dự phòng cũng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc để phòng bệnh. Ngoài ra, cần giữ nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bạch hầu, người bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Người dân trong phạm vi ổ dịch phải uống thuốc phòng và tiêm vaccine theo chỉ định của cơ quan y tế.

Các tin đã đăng