[Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11] PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc: "Tôi may mắn khi là học trò nhỏ của cha mình"

19/11/2020 16:10:00

Ở Việt Nam, những ví dụ nổi bật cho câu chuyện “cha truyền - con nối” không phải quá khó tìm. Nhưng câu chuyện giữa cha, con Nhà giáo Nhân dân, GS TS BS. Nguyễn Đình Hối và PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc thì lại ẩn chứa rất nhiều điều thú vị. Và trong câu chuyện của PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc - Quản lý và Điều hành Trường Đại học Y Dược TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thì trên mỗi bước đường ông đi, trong mỗi mốc thời gian gắn với từng thành tựu của sự nghiệp y khoa, đều có hình ảnh và lòng biết ơn của ông đối với người cha cũng là người thầy vĩ đại nhất trong cuộc đời.

Cha - người thầy vĩ đại nhất

Được biết ông là con trai của Nhà giáo nhân dân, GS TS BS. Nguyễn Đình Hối, hẳn ông đã học được rất nhiều điều ở cha mình?

 “Phải nói rằng, trong gần 60 năm làm công tác giảng dạy, Nhà giáo Nhân dân, GS TS BS. Nguyễn Đình Hối đã có rất nhiều thế hệ học trò xuất sắc. Tôi thật sự may mắn và vinh dự là con trai và cũng là học trò nhỏ của cha mình. Tôi đã học được rất nhiều điều ở ông, kể từ khi chập chững bước vào ngành y và hiện tại là công tác quản lý, điều hành BV, nơi cha tôi đã gắn bó gần cả cuộc đời”.

Khi vừa trở thành một bác sĩ ngoại khoa, tôi đã học được ở ông tính nghiêm túc trong công việc và trong khoa học. Ông là người đặc biệt toàn tâm, toàn ý với công việc, có trách nhiệm cao. Và cũng bởi thế quyết tâm trong ông vô cùng lớn. Chúng tôi hay nói với nhau rằng: Thầy Hối là người có chỉ số “vượt khó” cao. Cũng xin được chia sẻ rằng, phòng khám đa khoa của Bệnh viện là phòng khám của một trường đại học về y, dược đầu tiên trong cả nước. Khi thầy Hối đặt vấn đề này với Bộ Y tế, Bộ đã rất ngạc nhiên và không khỏi băn khoăn, bởi trước đây các trường đại học không có cơ sở khám chữa bệnh. Bản thân ông sau đó, đã lên gặp Thủ tướng Chính phủ để làm sao xin được cơ chế để phòng khám ra đời. Rồi chính ông, là người chèo lái để Bệnh viện có ngày hôm nay… Không chỉ học được sự quyết tâm, ông còn dạy cho tôi tình thương và trách nhiệm đối với người bệnh. Bệnh nhân dù ở hoàn cảnh nào, sau khi tiếp xúc với thầy, đều có được niềm tin, sự lạc quan và hy vọng. Ông đã tạo cho họ niềm tin để vượt qua sự khắc nghiệt của hoàn cảnh. Trong đó, ngoài sự đồng cảm, sẻ chia còn là sự tôn trọng đối với những người bệnh thiếu may mắn. Ngoài ra, ông cũng luôn nhắc tôi về sự cẩn thận. Học sâu, biết rộng, làm chắc chắn sẽ giúp giảm đi các tai biến cho bệnh nhân.

Vậy, trong công tác quản lý thì sao, thưa ông?

Năm 2000, tôi chính thức rời Bệnh viện Chợ Rẫy để về Bệnh viện Đại học Y Dược phụ giúp cha mình trong công tác quản lý. Kể từ thời gian này, tôi được học thêm những kỹ năng quản lý của ông, đặc biệt là quản lý nhân sự. Bàn của một người làm quản lý sau khi kết thúc công việc hàng ngày là một bàn trống và sạch sẽ, tất cả mọi việc được giải quyết ngay trong ngày. Ông có một phương châm: Không quan trọng hóa mọi vấn đề, việc lớn phải biến thành nhỏ, việc nhỏ coi như không có, ông xử lý công việc khá đơn giản nhưng hiệu quả cao... Ông luôn dạy tôi rằng, muốn đi nhanh thì đi một mình, nếu muốn đi xa thì phải đi cùng tập thể do vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi cùng với tập thể y, bác sĩ cán bộ của Bệnh viện luôn đoàn kết để cùng nhau phát triển. Ông cũng dặn tôi rằng, làm người quản lý phải biết quan tâm đến đời sống cán bộ, công nhân viên và vai trò của người quản lý là làm sao biết tìm và phát huy những ưu điểm của từng cá nhân để tạo ra thế mạnh của tập thể chứ không phải đi săm soi, để ý những khuyết điểm của cá nhân. Đó là cách dùng người, cách đối nhân xử thế tôi học được ở người cha của mình.

Viết tiếp giấc mơ cha

Việc được tín nhiệm giữ trọng trách Quản lý và Điều hành Trường Đại học Y Dược và Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã đem đến cơ hội để ông thực hiện tiếp tâm nguyện của cha mình. Điều đó đã bao giờ là áp lực với ông?

Nối nghiệp cha, nên ông luôn muốn tôi phải giỏi hơn, phải thành công hơn mình. Ông cho tôi học những điều mới nhất trong cả chuyên môn y khoa và quản trị. Ông khuyến khích tôi thử thách vào những xu hướng mới nhất của thế giới. Nhưng tôi biết rằng, tôi không thể sánh được với cha mình về những tố chất lãnh đạo bẩm sinh, khả năng thu hút mọi người cũng như kho tàng kiến thức của ông. Tôi chỉ cố gắng vận dụng những kiến thức mới, kết hợp kinh nghiệm mà ông đã cho tôi và chăm chỉ hàng ngày.



Đảm nhiệm vai trò người đứng đầu một Bệnh viện có số lượng bệnh nhân nội, ngoại trú lớn như vậy, điều khiến ông trăn trở nhất hiện nay là gì?

Tình trạng quá tải luôn là bài toán nan giải và đây có lẽ cũng là câu chuyện chung của ngành y tế hiện nay. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng không là ngoại lệ. Chính vì vậy, các giải pháp giải quyết tình trạng quá tải luôn được lãnh đạo bệnh viện hết sức trăn trở. Theo đó, chúng tôi bắt đầu nhận bệnh nhân từ 3h sáng mỗi ngày, đến 5h sáng, chúng tôi đã giải quyết nhu cầu khám bệnh cho khoảng 1.000 bệnh nhân. Sau đó, đúng 6h30, tất cả các quầy khám bệnh sẽ tiếp tục hoạt động. Bên cạnh đó, chúng tôi áp dụng công nghệ thông tin làm “trục xương sống” để thay đổi tất cả các quy trình và thủ tục hành chính, nhờ vậy đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tối đa thời gian giải quyết các thủ tục. Với số lượng bệnh nhân từ 5 - 6 nghìn người mỗi ngày, nhưng sự lưu chuyển của bệnh nhân thì rất nhanh.

Điều quan trọng nhất trong giải quyết quá tải là phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chẩn đoán chính xác, điều trị đúng phác đồ hiệu quả, tránh gây tai biến, biến chứng. Hiện, chúng tôi cũng tiến hành áp dụng các công nghệ, kỹ thuật điều trị tiên tiến để rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân… Chúng tôi tôi cũng triển khai một đơn vị phẫu thuật trong ngày. Điều này đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và tương lai sẽ được nhân rộng nhằm kéo giảm hiệu quả tình trạng quá tải giường bệnh.

Ông có thể chia sẻ với độc giả mục tiêu trong những năm tới của Bệnh viện?

Có ba mục tiêu lớn mà chúng tôi hướng tới. Thứ nhất, phát huy thế mạnh của một trung tâm chẩn đoán và điều trị chuyên sâu có chất lượng cao. Thứ hai, là nơi nghiên cứu khoa học trong sự nghiệp phát triển của y học nước nhà. Thứ ba, đào tạo nâng cao và chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế trong nước và các nước trong khu vực. Tôi hy vọng cùng với sự phát triển của đất nước, toàn thể cán bộ viên chức sẽ cùng đưa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM phát triển mạnh mẽ, là bệnh viện hàng đầu tại Việt Nam, điều trị chuyên khoa sâu, đạt tiêu chuẩn quốc tế, khẳng định trách nhiệm của mình trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân với chất lượng cao nhất.

Xin chân thành cảm ơn ông! 

Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân



 

Các tin đã đăng