Ghép tạng - Hành trình của những điều kỳ diệu

27/02/2021 21:56:00

Những ngày cuối năm 2020, trong một căn phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TP.HCM), 2 cha con ông N.Đ.C. (57 tuổi) và N.T.T. (30 tuổi) có thật nhiều cảm xúc.

Bồn chồn, lo lắng và hy vọng là những cảm xúc đan xen vào lúc này. Bởi lẽ, 2 cha con đang chuẩn bị bước vào cuộc phẫu thuật có lẽ là lớn nhất trong cuộc đời - ghép gan.

“Chỉ cần người trong gia đình khỏe mạnh thì đó là tài sản lớn nhất”


Ông C. được chẩn đoán mắc xơ gan từ 8 năm về trước, đã chuyển sang giai đoạn nặng. Ông nhập viện trong tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản, xuất huyết tiêu hóa, liên tục ói ra máu, vàng da, sụt cân, cơ thể vô cùng mệt mỏi.

TS BS. Trần Công Duy Long - Phó trưởng Khoa Ngoại Gan - Mật - Tuỵ BV ĐHYD TPHCM, cho biết để giữ cho chức năng gan ổn định, người bệnh phải được truyền đạm liên tục mỗi ngày. Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra phát hiện những nốt và khối u mới trên nền xơ gan nặng. Với tình trạng này, người bệnh cần được thay hoặc ghép gan để loại bỏ lá gan cũ đã bị xơ nặng và những khối u mới xuất hiện. Việc ghép gan mới này có thể hỗ trợ cho người bệnh một cuộc sống mới tốt hơn hẳn, tránh các biến chứng gây đột tử.

2 cha con ông N.Đ.C. vui vẻ, lạc quan trước phẫu thuật.


“Nhìn thấy ngày nào ba cũng phải chịu đựng những cơn đau khi mũi tiêm vào tay, mình cảm thấy rất đau lòng... Khi thực hiện các xét nghiệm để ghép gan cho ba, mình cũng phải chịu những nỗi đau và sự khó chịu này. Điều đó làm mình thêm quyết tâm cùng ba, cùng các y bác sĩ của bệnh viện thực hiện thành công ca ghép”, anh T. chia sẻ.

Rơm rớm nước mắt nhìn con, ông C. nghẹn ngào: “Hi vọng cuộc ghép tạng của 2 cha con được thuận lợi. Chỉ cần người trong gia đình khỏe mạnh thì đó là tài sản lớn nhất”.

Luôn cẩn trọng trong từng khâu ghép tạng


Lo lắng - đó không chỉ là cảm xúc của 2 cha con ông C. trước khi vào phòng mổ, mà đó còn là của tất các các bác sĩ tại Bệnh viện. Dù đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật ghép tạng thành công nhưng ở mỗi ca ghép mới, các bác sĩ của bệnh viện vẫn luôn cẩn thận từng chút một ở tất cả các khâu chuẩn bị.
ThS BS. Nguyễn Tất Nghiêm, Phó trưởng khoa Gây mê hồi sức BV ĐHYD TPHCM, cho biết: “Xuyên suốt quá trình trước, trong và sau mổ, toàn bộ các đội nhóm đã phối hợp rất chặt chẽ để việc phẫu thuật diễn ra thuận lợi, đặc biệt là giai đoạn tưới máu cho mảnh ghép. Khi quá trình chuẩn bị cho giai đoạn nối ghép các mạch máu được hoàn tất, các bác sĩ phẫu thuật chuẩn bị mở các mạch máu để máu đi vào trong các mảnh ghép mới. Ở thời điểm đó, tất cả đội nhóm đều có mặt”.

 

TS BS. Trần Công Duy Long và ê-kíp ghép gan cho người bệnh.

Sau hơn 12 tiếng đồng hồ, nửa lá gan của anh T. được lấy ra, tạo hình rồi ghép vào cho ông C. Đối với các bác sĩ trong ê kíp mổ chính, không giây phút nào có thể thiêng liêng hơn khoảnh khắc tái tưới máu cho lá gan mới. Thấy được sự hoạt động bình thường của lá gan trong cơ thể người bệnh - đó như một điều kỳ diệu. Giữa tháng 1.2021, ông C. xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Đến nay sức khỏe của ông C. đã ổn định, xuất viện giữa tháng 1/2021.


Từ năm 2018 đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 16 ca ghép gan. Đặc biệt là từ ca ghép thứ 10, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, bệnh viện đã nỗ lực cứu sống người bệnh, tự thực hiện kỹ thuật phức tạp này mà không có sự hỗ trợ trực tiếp từ chuyên gia nước ngoài.

Điều này đã minh chứng cho thành quả học tập và triển khai kỹ thuật ghép gan tại Bệnh viện. Để có được sự thành công của các ca ghép này, ê kíp ghép gan của bệnh viện đã được đào tạo bài bản, đồng bộ, chuyển giao kỹ thuật hiệu quả từ Bệnh viện Asan Hàn Quốc, cùng sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc và sự phối hợp hiệu quả giữa các Khoa, Phòng, Đơn vị có liên quan.

Hồi sinh những người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối

Cảm xúc vui mừng khôn xiết khi cùng người bệnh chiến thắng tử thần không chỉ dừng lại ở các ca bệnh ghép gan. Tại BV ĐHYD TPHCM, cũng đã có những người bệnh thoát ly hoàn toàn được với máy lọc thận, nhờ sự nỗ lực không ngừng của ê-kíp ghép thận. Dù mới triển khai kỹ thuật này từ tháng 6/2020 nhưng đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công 9 ca ghép từ người cho sống, hồi sinh kỳ diệu cho những cuộc đời.

Một ca phẫu thuật ghép thận tại BV ĐHYD TPHCM.

GS TS BS. Trần Ngọc Sinh - Cố vấn chuyên môn BV ĐHYD TPHCM, cho biết thế mạnh của bệnh viện trong lĩnh vực ghép thận đến từ nhiều yếu tố khác nhau bao gồm sự đồng bộ về kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại. Đó còn là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng chức năng, các khoa lâm sàng như khoa Tiết niệu, Nội thận - Thận nhân tạo, Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực, Xét nghiệm… Đồng thời, đội ngũ y bác sĩ trong ê kíp được đào tạo bài bản về ghép thận tại Pháp, theo dõi và chăm sóc người bệnh sau ghép tại Đài Loan… Trong tương lai, bệnh viện hướng đến là địa chỉ uy tín, đáng tin cậy để cùng người bệnh suy thận giai đoạn cuối viết tiếp những điều tốt đẹp.

Ca ghép thận thứ 9 tại BV ĐHYD TPHCM

Gia đình thứ 2 của người bệnh

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn trong suốt cuộc ghép tạng, quá trình chăm sóc sau ghép cũng được Bệnh viện đặc biệt chú trọng, giúp người bệnh thích nghi tốt với bộ phận cơ thể mới, hồi phục tốt và tái hòa nhập với cộng đồng.

Ths BS. Bùi Thị Hạnh Duyên - Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV ĐHYD TPHCM, chia sẻ: “Dù cho người bệnh ghép tạng hay bất kỳ người bệnh nào, các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc đều đặt chữ tâm của mình trong việc thực hiện, coi người bệnh như người thân trong gia đình. Đặc biệt với người bệnh ghép tạng, các bác sĩ, điều dưỡng liên tục trò chuyện, hỏi thăm để người bệnh vơi đi cảm giác một mình trong phòng cách ly, mang lại cho người bệnh cảm giác thân thuộc như đang ở trong chính ngôi nhà của mình”.

Bác sĩ khám cho người bệnh ghép gan từ người cho chết não.

Cứ như vậy đã hơn 2 năm qua, 25 ca ghép tạng đã được BV ĐHYD TPHCM hiện thành công. Thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục mời các chuyên gia từ nước ngoài đến hỗ trợ, triển khai nhiều kỹ thuật ghép khác nhau, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và đặc biệt phát triển các ca ghép tạng từ người cho chết não. Có thể nói, phép màu đã xuất hiện từ tình thân của những trái tim ấm nóng và từ tình yêu nghề, yêu người của tập thể đội ngũ y bác sĩ BV ĐHYD TPHCM. Cứ thế, những câu chuyện đầy ý nghĩa nhân văn lại được viết tiếp.

Những người em được sống bằng trái thận của chị. Những người con được tiếp tục cơ hội phụng dưỡng mẹ cha. Người làm cha được trở về nhà, hay những người xa lạ lại cùng sống chung một cơ thể… Tất cả những nỗ lực ấy chính là “những điều kì diệu đầy nhân văn”. Những điều kì diệu không phải từ đấng tạo hóa nào, mà được tạo ra bằng chính sự nỗ lực của của các y bác sĩ, của tình thân, của sự yêu thương và của tình người.

Các tin đã đăng