Diện mạo mới cho một khởi đầu thành công

03/03/2021 17:26:00

Phẫu thuật thẩm mỹ thành công có thể mang đến một diện mạo mới, giúp con người có được sự tự tin trong cuộc sống, trong công việc cũng như trong giao tiếp hằng ngày để từ đó gặt hái được thành công. Tuy nhiên, một diện mạo mới không quyết định sự thành công của một con người mà sự thay đổi về tư duy, thái độ mới là yếu tố chính quyết định cho sự thành công đó.

Mời Quý vị theo dõi chia sẻ của BSCKII. Vũ Hữu Thịnh - Quản lý và điều hành khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM xung quanh vấn đề này.

Thưa bác sĩ, chúng ta vẫn thường nghe gương mặt vàng, tỷ lệ vàng… Là một chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ và làm đẹp, theo bác sĩ đâu là tiêu chuẩn cho một vẻ đẹp hoàn mỹ?

Những thông số, những con số có thể giúp cho việc đánh giá một gương mặt hài hòa, một vóc dáng cân đối… tuy nhiên không thể đánh giá giá vẻ đẹp con người dựa vào những con số. Bởi không có bất cứ định nghĩa hay chuẩn mực nào cho một vẻ đẹp. Cái đẹp là cách nhìn mang tính cá nhân của mỗi con người. Đó có thể là vẻ đẹp bên ngoài với một gương mặt đẹp, một thân hình tiêu chuẩn, tràn đầy sức sống… nhưng cũng có thể là vẻ đẹp được toát lên từ tri thức hay tâm hồn của một người. Trên quan điểm cá nhân của một người làm đẹp, cái đẹp hoàn mỹ là sự dung hòa của vẻ đẹp tâm hồn, cái đẹp cần phải gắn liền với sức khỏe, sức sống sau đó mới đến các yếu tố khác như vóc dáng, làn da, tỉ lệ cơ thể, sự cân đối hài hòa của khuôn mặt…

Nếu diện mạo của một người sau một cuộc phẫu thuật là một tác phẩm nghệ thuật, thì bác sĩ phẫu thuật hay người được phẫu thuật là người quyết định tác phẩm đó đẹp hay xấu, thành công hay thất bại?

Nếu xem kết quả phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ là một tác phẩm nghệ thuật thì có thể nói bác sĩ là một nghệ sĩ tài hoa trong một chuẩn mực, tức là sự tài hoa của người bác sĩ không quyết định toàn bộ sự thành công của tác phẩm chỉnh hình mà còn chịu ảnh hưởng của người muốn vẽ. Cũng như người bác sĩ cũng cần giới hạn sự sáng tạo của bản thân mình trong những giới hạn và chuẩn mực nhất định. Như đã nói, đẹp hay xấu chỉ là những định nghĩa chung và không có một chuẩn mực nhất định, có thể với người này mũi cao da trắng là đẹp, nhưng với người khác da nâu, mũi châu Á lại là đẹp do đó việc đánh giá sự thành công của một ca phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ có thành công hay không nên được dựa vào sự hài lòng của bệnh nhân đối với diện mạo mới của mình hơn là sự đánh giá theo một trào lưu hay một chuẩn mực nào đó.



Bác sĩ chia sẻ về chuẩn mực nhất định về cái đẹp, vậy việc theo đuổi những chuẩn mực này có hay không tạo nên những “khuôn mẫu” và những vẻ đẹp “tương tự nhau”?

Gương mặt giống nhau hay những diện mạo có điểm chung, nhìn tương tự nhau là những điều vốn tồn tại sẵn trong tự nhiên, trong xã hội chứ không phải do sự xuất hiện hay phát triển của phẫu thuật thẩm mỹ mà xuất hiện. Điều này được quyết định dựa trên yếu tố di truyền, kiểu hình hay chủng tộc của môt người, một quốc gia hay một dân tộc. Tuy nhiên khi xuất hiện một tiêu chuẩn cái đẹp nào đó ví dụ như mắt hai mí, sống mũi cao… được nhiều người công nhận sẽ có thể trở thành một xu hướng làm đẹp được nhiều người theo đuổi, từ đó sẽ xuất hiện những chiếc mũi giống ngôi sao A, những đôi môi giống diễn viên B… Có thể nói, hiện tượng khuôn mẫu trong làm đẹp là do chính thẩm mỹ quan của xã hội cũng như chính người mong muốn làm đẹp quyết định. Người làm đẹp cũng cần tỉnh táo để lựa chọn để phù hợp với bản thân, theo trào lưu của xã hội hay thực hiện theo xu hướng cá nhân. Bởi trào lưu và xu hướng luôn có sự phát triển và thay đổi, còn nếu thực hiện theo xu hướng dị biệt thì có thể trở nên khác biệt trong mắt nhiều người.

Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống

Các tin đã đăng