Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ 02/04 - Cần chăm sóc, điều trị cho trẻ tự kỷ như thế nào?

02/04/2021 17:29:00

Tự kỷ là một trong 5 tiểu loại của nhóm bệnh rối loạn phát triển lan toả. Đây là căn bệnh được cho là có nguyên nhân từ những hoạt động bất thường từ hệ thần kinh, làm khả năng phát triển trên các mặt ngôn ngữ, hành vi và cách ứng xử bị giới hạn hoặc sai lệch. Sau đây là chia sẻ của các chuyên gia tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM về những nguyên nhân, dấu hiệu và cách chăm sóc, điều trị cho trẻ tự kỷ.

Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ dẫn đến tự kỷ ở trẻ em?

Có nhiều cuộc nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân của bệnh tự kỷ. Nhóm lý thuyết gia theo quan điểm văn hoá xã hội cho rằng, tình trạng căng thẳng, sức ép, sự rối loạn và chệch hướng của đời sống gia đình và ngoài xã hội là nguyên nhân chính của bệnh tự kỷ ở trẻ em.

Các lý thuyết gia theo trường phái tâm sinh lại cho rằng nguyên nhân chính của bệnh tự kỷ là sự rối loạn chức năng tâm lý thần kinh. Từ bẩm sinh, những trẻ này đã mất đi khả năng tư duy. Tình trạng này có liên quan trực tiếp đến những tổn thương nào đó về mặt sinh lý thể chất của trẻ từ khi đang còn trong bào thai.

Các chuyên gia thuộc quan điểm sinh học, qua nhiều nghiên cứu đã cho rằng yếu tố di truyền rõ ràng chịu trách nhiệm phần nào đối với bệnh tự kỷ. Quan điểm này cũng quan tâm đến điều kiện xấu khi mang thai và thời kỳ sinh nở đối với các bé bị bệnh tự kỷ.

Dấu hiệu của bệnh tự kỷ?

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần, để xác định bệnh tự kỷ, phải có tối thiểu 6 vấn đề trong 3 lĩnh vực: khiếm khuyết khả năng tương tác xã hội, khả năng đối đáp suy giảm; các sinh hoạt, hành vi, cách ứng xử và ý thích thường bị hạn chế, rập khuôn và lặp đi lặp lại.

Cần chăm sóc, điều trị cho trẻ tự kỷ như thế nào?

Bối cảnh điều trị chính thức và thích hợp nhất vẫn là ngay trong khung cảnh gia đình, nơi trẻ tự kỷ đang sống. Đây là nơi điều trị thuận lợi, thường trực và ít tốn kém. Môi trường lý tưởng thứ 2 là trường học với sự hỗ trợ đầy đủ của đội ngũ chuyên gia, nhân viên phục vụ được huấn luyện kỹ càng. Từ những kỹ thuật đúng và môi trường thuận lợi, cộng với tình yêu thương có hiểu biết sẽ có khả năng giúp cho trẻ tự kỷ gia tăng tiến bộ về mặt ngôn ngữ, giao tiếp và nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống.

Có nhiều liệu pháp trong điều trị bệnh tự kỷ như: liệu pháp trọng tâm phản ứng, liệu pháp thử nghiệm riêng biệt, liệu pháp chú ý kết hợp, điều chỉnh dinh dưỡng, xoa nắn xương sống…

Các liệu pháp được bác sĩ chuyên khoa chọn lựa, kết hợp, tuỳ vào tình trạng và thể lực của bé cùng với điều kiện gia đình. Điều lưu ý quan trọng là dù điều trị theo phương pháp nào, sự yêu thương, tận tụy, kiên trì và thấu hiểu của phụ huynh, người chăm sóc luôn là yếu tố cốt lõi của tiến trình trị liệu và nâng đỡ trẻ tự kỷ.

Theo BS CKII. Lâm Hiếu Minh, ThS BS. Nguyễn Thị Ngọc - Phòng khám Tâm lý Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

Các tin đã đăng