Co cứng cơ: Thông tin người bệnh cần biết

04/05/2021 16:33:00

Các tổn thương trong hệ thống dẫn truyền thần kinh ở người bệnh đột qụy, xơ cứng rải rác, bại não, chấn thương đầu hoặc chấn thương tủy sống… có thể gây nên tình trạng hoạt động cơ quá mức dẫn đến co cứng cơ gây nhiều trở ngại cho người bệnh, đòi hỏi nhiều kiên trì, nỗ lực trong điều trị, phục hồi.

Co cứng cơ là sự tăng độ cứng của cơ không theo ý muốn. Triệu chứng co cứng cơ có thể từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng và thay đổi theo thời gian. Đặc điểm chính của co cứng cơ là sự co cứng hay tăng đề kháng khi cố gắng cử động chi hoặc khớp. Các triệu chứng khác liên quan đến co cứng cơ bao gồm đau, co thắt cơ, yếu cơ và giật cơ.

Co cứng cơ là biểu hiện thường gặp của các tổn thương thần kinh trung ương như: đột quỵ não, tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, bại não ở trẻ em, xơ cứng rải rác, chấn thương tủy sống, sau mổ u tủy, viêm tủy... Người bệnh bị co cứng cơ thường cảm thấy cơ của họ cứng, nặng và khó cử động. Sự co cứng cơ có thể xảy ra ở tay, chân hoặc vùng trục thân. Một số người bệnh có thể có nhiều triệu chứng phối hợp.

Co cứng cơ, liệt cơ, mất các cử động chọn lọc tinh vi là những yếu tố quan trọng gây giảm hoặc mất chức năng của người bệnh. Co cứng cơ có thể ảnh hưởng đến các vận động tự chủ trên những người bệnh liệt không hoàn toàn. Ngoài ra, co cứng cơ gây đau đớn, khó khăn cho người bệnh thực hiện các hoạt động tự chăm sóc thường ngày như ăn uống, mặc quần áo, tắm rửa, vệ sinh cá nhân.

Co cứng cơ còn là nguyên nhân chính gây co rút biến dạng, mất chức năng, tàn tật sau này. Triệu chứng co cứng cơ có thể gây khó chịu, nhưng trong một số trường hợp co cứng cợ lại có lợi như khi người bệnh bị yếu chân nhiều, sự co cứng cơ giúp di chuyển chân từ giường sang ghế và thậm chí giúp di chuyển lúc đi.

Người bệnh co cứng cơ nên làm gì?

Người bệnh cần có hiểu biết về co cứng cơ, các triệu chứng liên quan và những yếu tố tác động lên các triệu chứng này. Những kiến thức này có thể giúp người bệnh ngăn ngừa và xử lý các triệu chứng co cứng cơ hiệu quả hơn.

Một số yếu tố làm cho co cứng cơ nặng lên cần tránh và điều trị sớm bao gồm nhiễm trùng tiểu, bí tiểu, nhiễm trùng tiêu hóa, táo bón, đỏ da, trầy da, nhiễm trùng da, đau, nhiễm trùng khác và tư thế xấu khi nằm, ngồi, đứng.

Bất kể người bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc nặng, việc điều trị thuốc, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, chăm sóc điều dưỡng và giáo dục có thể giúp cải thiện co cứng cơ. Điều này cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Theo ThS BS. Đặng Thị Huyền Thương, TS BS. Trần Ngọc Tài – Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM
_______
Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là một trong những địa chỉ tin cậy về khám và điều trị các bệnh lý thần kinh. Khoa có đầy đủ các khu điều trị nội trú, ngoại trú và các phòng điện cơ, điện não. Ngoài ra, khoa còn phối hợp chặt chẽ cùng các phân khoa, phòng, đơn vị khác trong mọi hoạt động điều trị bệnh.

Trực tiếp thăm khám và điều trị cho người bệnh là các bác sĩ đầu ngành, nhiều kinh nghiệm và là giảng viên của bộ môn Thần kinh Đại học Y Dược TP.HCM. Khoa chuyên khám, chẩn đoán và điều trị:

- Các bệnh thần kinh chung
- Bệnh rối loạn vận động như bệnh Parkinson, run, loạn trương lực…
- Bệnh thần kinh-cơ như viêm dây thần kinh, bệnh nhược cơ, viêm cơ…
- Sa sút trí tuệ như Alzheimer…
- Động kinh, co giật.
- Đột quỵ cấp (nhồi máu não, xuất huyết não, xuất huyết dưới nhện), các phương pháp phòng ngừa đột quỵ tái phát như dùng thuốc, đặt stent, phẫu thuật.
- Các chứng đau như đau đầu, đau thần kinh…


Các tin đã đăng