Chăm sóc da tay cho nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm

23/07/2021 08:54:00

Bàn tay của nhân viên y tế, đặc biệt nhân viên lấy mẫu xét nghiệm có nguy cơ và thời gian tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm nhiều nhất. Đây là bộ phận có thể gây khả năng lây nhiễm chéo trong quá trình chăm sóc và điều trị cho người bệnh. Việc thực hiện tốt quá trình vệ sinh và phòng ngừa lây nhiễm chéo là điều cần thiết đối với nhân viên y tế tại các bệnh viện, phòng khám, cơ sở chăm sóc người cao tuổi và tại nhà người bệnh….

Việc vệ sinh tay và đeo găng tay y tế trong khi làm việc của nhân viên y tế đã được chứng minh là loại bỏ hoặc làm giảm rõ rệt các sinh vật gây bệnh trên tay, không những giúp ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng mà còn giúp bảo vệ cả người bệnh và nhân viên y tế khỏi bị lây nhiễm chéo.

Do đó, việc sát khuẩn tay và đeo găng tay trong quá trình xét nghiệm của nhân viên y tế là điều bắt buộc, đặc biệt trong mùa dịch này. Hãy nên đeo găng tay mỗi khi nhân viên y tế chạm vào máu, chất dịch cơ thể, các mô cơ thể, màng nhầy hoặc vùng da bị tổn thương… và ngay cả khi lấy mẫu dịch, bệnh phẩm ở người bệnh khỏe mạnh và không có bất kỳ dấu hiệu nguy cơ lây nhiễm nào.

Để ngăn chặn sự lây nhiễm trong bệnh viện cũng như trong cộng đồng, CDC khuyến cáo nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây hoặc nếu không có sẵn hãy sử dụng chất sát khuẩn tay có chứa ít nhất 60% cồn. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn tay ở khoảng 60 - 95% sẽ có hiệu quả diệt virus, mầm bệnh cao hơn so với những loại có nồng độ cồn thấp hoặc nước rửa tay khô không chứa cồn. Nếu nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn tay không đạt 60 - 95 % nồng độ cồn sẽ chỉ làm giảm sự phát triển của vi trùng chứ không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn.

Thực hiện việc sát khuẩn thường xuyên là rất cần thiết, tuy nhiên việc tiếp xúc nhiều hơn với các hóa chất và chất gây dị ứng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm da. Nồng độ Ethanol cao trong nước sát khuẩn nhanh có một số tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến làn da của chúng ta và hơn thế nữa, đặc biệt những nhân viên y tế có làn da nhạy cảm. Việc lạm dụng chất khử trùng tay chứa cồn để bảo vệ chống lại vi trùng và các mầm bệnh gây nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng qua các rối loạn da do có thể làm mất đi những vi sinh vật có lợi trên da gây khô da, bong tróc vảy, nứt nẻ hoặc thậm chí xuất hiện mụn nước gây ngứa ở tay.

Găng tay y tế cũng là biện pháp bảo vệ làn da chúng ta trước tác nhân gây bệnh nhưng không có loại găng tay nào có thể chống lại tất cả các hóa chất một cách vô thời hạn. Ngoài ra, việc sử dụng nó lâu dài hoặc trên những cơ địa nhạy cảm cũng có thể ảnh hưởng ko nhỏ đến làn da chúng ta bởi găng tay cao su bột và nitrile có thể gây khô ráp trên da. Một số lưu ý trong việc sử dụng găng tay y tế, giúp cải thiện tình trạng da của chúng ta:

- Nếu khi bị dị ứng với latex, chúng ta hãy nên sử dụng găng tay không phải latex (găng tay nitrile) và tránh tiếp xúc với các sản phẩm khác có chứa latex.
- Việc sử dụng găng tay không bột sẽ ít gây kích ứng và khô hơn găng tay có bột.
- Tránh dùng chất làm ẩm da có nguồn gốc từ dầu mỏ trước khi đeo găng tay bởi vì chúng có thể làm phá hủy cao su latex.
Nếu đeo găng tay kín trong hơn 20 phút, hãy sử dụng găng tay cotton mỏng vừa vặn bên dưới để giảm kích ứng do đổ mồ hôi và giúp bảo vệ da khỏi tiếp xúc với bột.

Tại sao nhân viên y tế cần chăm sóc bàn tay?

Chăm sóc bàn tay là cần thiết vì nhân viên y tế dễ bị viêm da ở tay, phần lớn do tiếp xúc và làm sạch với các chất gây kích ứng liên quan đến như: xà phòng và nước, chất khử trùng mạnh và chất tẩy rửa. Mặc dù việc sử dụng găng tay y tế giúp bảo vệ làn da bàn tay trước tác nhân gây bệnh và hóa chất, nhưng cũng có thể gây viêm da ở một số người có cơ địa nhạy cảm.

Tổn thương da ở bàn tay ngày càng nhiều hơn ở các nhân viên y tế do các yêu cầu về vệ sinh tay và găng tay ngày càng tăng tại nơi làm việc và sau giờ làm việc. Các chất sát khuẩn gây phá vỡ hàng rào bảo vệ da biểu hiện như bệnh chàm da hoặc viêm da tiếp xúc kích ứng, da bị tổn thương ngứa, đau và dễ bị nhiễm vi khuẩn thứ phát …. Tổn thương da có thể xảy ra sớm ở những nhân viên y tế có làn da nhạy cảm từ trước hoặc những người bị viêm da cơ địa. Để giảm bớt tình trạng viêm da ở bàn tay cho nhân viên y tế, một số biện pháp chăm sóc nhằm giúp hạn chế thương tổn da ở tay:

1. Rửa tay bằng nước mát

Khi rửa tay tại nơi làm việc, hạn chế rửa tay bằng nước nóng và nên sử dụng bằng nước mát. Việc rửa tay dưới vòi nước mát sẽ giúp da bạn không bị khô ráp. Rửa tay nhiều lần bằng nước nóng có thể làm mất đi độ ẩm tự nhiên của da, và đặc biệt làm gia tăng thương tổn và khó chịu , ngứa nếu sử dụng đồng thời với các nguyên nhân gây kích ứng khác

2. Tránh xà phòng có cồn

Do công việc tiếp xúc, có nguy cơ lây nhiễm tại nơi làm việc của nhân viên y tế, do đó việc rửa tay nhiều lần trong ngày có thể khiến da bạn bị khô và thô ráp. Kết hợp điều đó với xà phòng có chất làm khô như cồn hoặc có hương liệu sẽ giúp gia tăng sự khó chịu và khô da . Việc Sử dụng xà phòng có chứa thành phần làm gia tăng độ ẩm cho da khi bạn rửa tay và tránh xà phòng có cồn, nước hoa và thuốc nhuộm…. sẽ giúp cải thiện làn da tay của bạn tốt hơn.

Tại nơi làm việc, hãy chọn loại sữa rửa tay không màu, không chứa cồn, không có mùi thơm và nước hoa. Và đặc biệt lưu ý chỉ rửa bằng xà phòng và nước khi da bị bẩn hoặc bị dính máu hoặc các chất dịch cơ thể khác

3. Không chà xát sau khi rửa tay

Sau khi rửa tay chúng ta nên lau khô tay bằng khăn giấy , hãy nhớ thấm nhẹ nhàng thay vì chà xát. Việc chà xát da bằng khăn giấy khi tay bị đau, nứt và đỏ có thể gây khó chịu ,thậm chí có thể làm trầm trọng thêm tình trạng da. Không nên sử dụng máy sấy tay khô vì không khí nóng trong máy sấy có thể gia tăng sự khó chịu trên tay bạn so với khăn giấy. Tốt nhất nên để khô tay tự nhiên sau khi rửa tay.

4. Sử dụng Kem dưỡng ẩm

Nên thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên sau khi rửa tay nếu làn da tay bị khó chịu, khô ráp. Sử dụng kem dưỡng ẩm, lý tưởng nhất là sản phẩm có chứa dầu khoáng hoặc petrolatum, giúp ngăn ngừa tình trạng viêm da ở tay. Để tay khô hoàn toàn sau khi rửa tay, sau đó có thể thoa kem dưỡng ẩm trước khi đeo găng tay vào.

Khi bạn không làm việc, nên chú ý việc chăm sóc da nhiều hơn nhằm gia tăng sự lành, hồi phục tình trạng viêm da bằng cách: Rửa thường xuyên ít hơn, sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên hơn và tránh các công việc đòi hỏi bạn phải làm việc nhiều với tay nếu da rất khô, khó chịu hoặc nứt nẻ.

Nếu tình trạng da ở tay của bạn chậm cải thiện, chúng ta hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn và điều trị. Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng của bạn để đưa ra các liệu pháp điều trị thích hợp nhằm phục hồi thương tổn cho làn da.

Theo ThS BS. Thái Thanh Yến - Khoa Da liễu- Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Các tin đã đăng