[Hành trình chống dịch UMC] Thương em, Trường của chúng tôi

07/08/2021 09:38:00

Trong đại dịch, nhiều mảnh đời từ muôn ngả rẽ khác biệt đã xích lại gần nhau, tự nguyện trao đi yêu thương cho cả những người xa lạ.

Dưới đây là chia sẻ từ ThS BS. Huỳnh Phương Nguyệt Anh - Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (đã công tác tại Bệnh viện dã chiến điều trị người bệnh COVID-19 Củ Chi) về một người bệnh "đặc biệt".

Nụ cười sáng bừng ở khoa nhiễm 1

Tôi phụ trách một người bệnh cao tuổi suy thận giai đoạn cuối, đang chạy thận định kỳ thì không may nhiễm COVID-19 phải nhập viện.

Với bệnh nền nặng, bác trở thành người bệnh nặng nhất khoa và cần chăm sóc toàn diện từ ăn uống, xoay trở người đến vệ sinh thân thể... Nhưng điều khiến tôi bất ngờ là không chỉ có y bác sĩ tại đây, mà còn có một nhân vật khác thường "giành" phần đút ăn, thay tã cho bác khi có dịp.

Tò mò, tôi tìm hiểu và biết chàng trai đó 28 tuổi, tên Trường và ở khu điều trị bệnh nhân COVID-19 thuộc khoa nhiễm 1.

Khoa nhiễm 1 cũng là nơi nhận bệnh nặng chỉ sau khoa hồi sức tích cực (thường ở độ tuổi trẻ như trên thì sẽ ở mức độ nhiễm 4, 5 hoặc 6, 7) nên tôi khá ngạc nhiên, sau đó mới biết Trường từng có lúc phải đối diện với tử thần.

Vậy mà Trường luôn cười thật tươi, luôn khoe "em khỏe lắm" và nhiệt tình góp tay giúp đỡ mọi người các đầu việc trong khu điều trị.

Thực chất, hình ảnh người bệnh trong khu cách ly đùm bọc nhau không quá hiếm hay xa lạ với chúng tôi. Nhưng ở Trường có điểm gì đó rất đặc biệt, khiến người đối diện thấy tích cực, tin tưởng và thương mến.

Có một khoảnh khắc ở em khiến tôi không thể quên được, đó là lần tôi tìm đến chỗ Trường vì bác người bệnh già nhắc nhớ đã vài ngày chẳng thấy em đâu.

Và tôi thấy Trường ngồi trên giường bệnh, tay bưng tô mì gói không giấu được vẻ yếu ớt và đau đớn, tay chân sưng tấy vì bị bệnh hành (cơ thể Trường mắc thêm bệnh khác ngoài COVID-19).

Vậy mà chàng thanh niên trên vẫn lạc quan, tếu táo, vẫn "giành phần" chăm sóc bác bệnh nhân trên vào mỗi tối ngay khi chớm khỏe lại. Thật ra lúc đó cơ thể Trường chưa thật sự phục hồi, chân còn bước khập khiễng...

Chàng "tình nguyện viên" bất đắc dĩ

Bác bệnh nhân lớn tuổi được chuyển đi lọc máu và thở máy vì hơi thở yếu dần. Ngày bác được chuyển đi, Trường đến động viên tôi đừng buồn, rồi cả hai cùng lặng lẽ dọn dẹp những dây nhợ chằng chịt, đồ dùng cá nhân... bên cạnh chiếc giường giờ đã trống trải.

"Để em giữ thật kỹ bịch đồ này khi nào bác khỏe thì lại lấy ra dùng", câu nói đầy hồn nhiên của Trường khiến tôi cay khóe mắt. Có lẽ em không biết những lo sợ, nghĩ suy chỉ y bác sĩ chúng tôi mới hiểu...

Rồi Trường lại tiếp tục hết mình với những bệnh nhân lớn tuổi mới nhập viện, em líu lo mỗi khi tắm táp, gội đầu hay trò chuyện cùng các cụ...

Ngày em nhận kết quả xét nghiệm âm tính, tất cả bác sĩ trong khu reo hò như chính mình được thoát khỏi con virus đáng ghét trên, có lẽ ai cũng mong muốn Trường được bù đắp cho những nỗ lực, năng lượng mà em đã thắp sáng, lan tỏa.

Đang bùi ngùi vì sắp phải rời xa gương mặt dễ mến trên thì chẳng bao lâu sau, chúng tôi biết tin Trường xin ban lãnh đạo cho ở lại làm tình nguyện viên. Em được duyệt ở lại với điều kiện phải chú ý bảo vệ bản thân, tôi nghe tiếng em mừng rỡ hét lớn qua điện thoại...

Và những ngày sau đó, khu điều trị của chúng tôi có thêm một anh lao công chuyên đi lau nhà, dọn rác, lúc cần thì "biến hình" thành anh điều dưỡng đi phát tấm trải giường, quần áo và phát cơm, khiêng thùng nước cho các phòng...

Ngày tôi hoàn thành thời gian tình nguyện và chuẩn bị rời đi, tôi có trò chuyện với em nhiều hơn chút.

"Em cảm ơn chị đã chữa trị cho em. Em chỉ có một thỉnh cầu nho nhỏ là mẹ em đang nhiễm COVID-19 nặng và nằm ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, em không thể vào thăm và không biết mẹ sao rồi, chị có thể làm giùm em được không?", câu nói của Trường khiến bước chân tôi trĩu nặng.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

 

Các tin đã đăng