Phục hồi cho nhân viên chăm sóc sức khỏe

13/08/2021 19:26:00

COVID-19 đã gây căng thẳng nhiều cho sức khoẻ của các bác sĩ lâm sàng. Một phần do người bệnh nặng trong cộng đồng ngày càng tăng, cùng với số lượng ca tử vong tăng theo và tính chất dễ lây nhiễm của COVID-19. Ngoài ra, bản thân nhân viên y tế cũng tự đặt để cho mình những thách thức, chẳng hạn như: khả năng tự lây nhiễm, tự cô lập và trách nhiệm của họ đối với gia đình của họ.

Từ đó, Tania B. & Georgina P. (2020) đã đề xuất rằng các yếu tố sau đây phải được ghi nhận khi hỗ trợ nhân viên y tế trong đại dịch COVID-19:

1. Cần hỗ trợ tâm lý dựa trên bằng chứng.

Bằng chứng và lý thuyết cần được củng cố bởi ý kiến chuyên gia, chẳng hạn như những bằng chứng được sử dụng trong quân đội và trong các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm khác trên toàn thế giới.

2. Các vấn đề chung của nhân viên y tế cần được giải quyết.

Ví dụ: chú ý đến thời gian giải lao, ăn uống, bữa ăn và nghỉ ngơi hợp lý.

3. Hỗ trợ đồng nghiệp là quan trọng.

Khuyến khích hỗ trợ nhóm và đồng nghiệp, có thể thông qua mạng lưới hỗ trợ bạn bè.

4. Lãnh đạo tốt.

Nghiên cứu về các thành viên của lực lượng vũ trang đã chỉ ra rằng, sự gắn kết nhóm là cần thiết giữa các đồng nghiệp (theo chiều ngang) và từ người quản lý đến các thành viên trong nhóm của họ (theo chiều dọc) để thiết lập sự hỗ trợ tâm lý tốt và hiệu quả trong tổ chức.

5. Phục hồi lâu dài.

Phải thừa nhận rằng đối với một số bác sĩ, việc phục hồi tâm lý sau COVID-19 có thể mất thời gian và các biện pháp can thiệp của quản lý có thể phải được thực hiện trong nhiều tháng sau đỉnh điểm của đại dịch. Phục hồi tâm lý cũng có thể mất thời gian vì bác sĩ lâm sàng không phải lúc nào cũng có thời gian để xử lý cảm xúc của họ vì thời gian thực hành hạn chế trong bối cảnh khủng hoảng của đại dịch.

Chứng kiến những mất mát, nỗi đau của người bệnh, gia đình và những người thân yêu của họ trong đại dịch COVID-19, các chuyên gia y tế, các bác sĩ lâm sàng có thể bị dằn vặt, đau khổ, dẫn đến kiệt sức về tinh thần. Vì vậy, hỗ trợ tâm lý và tinh thần là điều cần thiết đối với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ áp lực gia tăng.

Trong một nghiên cứu về những trải nghiệm và khả năng phục hồi của các bác sĩ lâm sàng qua đại dịch, có ba chủ đề chính đã xuất hiện:

1. Sự cần thiết phải có trách nhiệm cao hơn của các bác sĩ lâm sàng để nhận thức đầy đủ về nhiệm vụ của họ trong việc hỗ trợ sức khỏe của người bệnh.

2. Khả năng thích ứng để làm việc trong bối cảnh hoàn toàn mới của COVID-19, chẳng hạn như trang phục bảo hộ (PPE) và khối lượng công việc lớn hơn bao giờ hết.

3. Tăng khả năng phục hồi trong bối cảnh nhiều thách thức, với các bác sĩ lâm sàng, sự hỗ trợ xã hội cũng như tự quản lý để đối phó trong các tình huống căng thẳng cao độ là vấn đề quan trọng.

COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các bác sĩ lâm sàng, nhân viên y tế mà toàn bộ dân số cũng có nguy cơ sống trong một xã hội với các vấn đề sức khỏe khác như căng thẳng, trầm cảm lâm sàng, tức giận, mất ngủ, sợ hãi. Các vấn đề này sẽ là những thách thức cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã bị suy yếu do đại dịch.

Do đó, trong đại dịch COVID-19, việc duy trì sức khỏe tinh thần cho mỗi cá nhân nói chung và nhân viên y tế nói riêng, thật sự rất quan trọng. Tiến sĩ tâm lý Joel Vos (2021), tác giả sách “Tâm lý trong COVID-19” (The Psychology of COVID-19) đã đưa ra những khuyến nghị để giảm thiểu những nguy cơ về sức khoẻ tinh thần cho mỗi cá nhân như sau:

1. Giữ liên lạc với bạn bè và gia đình, ví dụ: qua email, điện thoại hoặc gặp gỡ trực tuyến
2. Giữ thói quen hàng ngày và ngủ đủ giấc
3. Dành thời gian để giải trí, thư giãn và cười
4. Khi có thể, hãy đi vào thiên nhiên, ví dụ: đi dạo trong công viên
5. Thực hiện các bài tập thể dục, trong nhà hoặc ngoài trời
6. Trang hoàng ngôi nhà của bạn, ví dụ lau chùi và dán những bức tranh ý nghĩa lên tường
7. Hạn chế tiếp xúc với những tin tức đáng sợ, liên quan đến đại dịch
8. Thực hiện theo lời khuyên từ các cơ quan y tế.
9. Chú ý đến nhu cầu, cảm xúc và suy nghĩ của chính bạn
10. Chăm sóc người khác, lắng nghe họ thực sự và trợ giúp thiết thực nếu có thể
11. Hoà đồng, thân thiện, chẳng hạn như trong quá trình chăm sóc tập thể
12. Tiếp tục sử dụng thuốc theo toa thông thường của bạn
13. Nhận biết cảm giác căng thẳng, lo lắng, buồn bã và lưu ý rằng nhiều người cũng có trải nghiệm tương tự: đây có thể là những cảm giác bình thường trong những tình huống bất thường
14. Chia sẻ cảm xúc của bạn với người khác và tạo mạng lưới hỗ trợ (trực tuyến)
15. Tránh ở một mình trong thời gian dài
16. Không phân biệt đối xử hoặc đổ lỗi cho các nhóm hoặc cá nhân
17. Tách biệt nơi bạn làm việc với nơi bạn ngủ (không làm việc hoặc xem TV trên giường) để tránh bị rối loạn giấc ngủ
18. Tập trung vào các hoạt động cảm thấy có ý nghĩa; lập kế hoạch cho ít nhất một hoạt động có ý nghĩa hàng ngày mà bạn có thể mong đợi
19. Hãy tự hào về những thành tựu nhỏ và những gì bạn đã có thể vượt qua trong giai đoạn khó khăn này
20. Khi trò chuyện với trẻ: không che giấu thông tin, giải thích tình huống bằng ngôn ngữ dễ tiếp cận, giữ thói quen, duy trì thói quen sinh hoạt gia đình, dành thời gian giải trí và chơi game, hiểu rõ những thay đổi và thất vọng trong cảm xúc của trẻ, khuyến khích trẻ tập thể dục…
21. Hãy tử tế với bản thân. Ví dụ: bạn không cần phải cố sức làm nhiều hơn những gì bạn đang làm (một số người đang tự tạo áp lực cho bản thân bằng cách nói rằng: ‘Tôi phải phát triển và học được điều gì đó tích cực từ đại dịch’.)
22. Tránh tạo ra rào cản tâm lý lớn khiến bạn không thể ra ngoài trời và gặp gỡ mọi người, chẳng hạn bằng cách thường xuyên ra vào khu vườn của bạn hoặc đến một cửa hàng gần đó. Đặt mục tiêu an toàn và hợp lý trong từng bước nhỏ, tự thưởng cho bản thân khi có những thành công dù nhỏ.
23. Kiểm tra kỹ suy nghĩ của bạn: Ý tưởng của bạn thực tế đến mức nào? Cơ quan y tế nói gì? Học các kỹ năng mới thông qua các khóa học trực tuyến hoặc video Youtube hoặc các bài nói chuyện của TED…
24. Lập kế hoạch về những việc bạn có thể làm nếu bị ốm và ai có thể giúp bạn
25. Hãy dành thời gian cho sự sáng tạo và thể hiện bản thân. Ví dụ: làm thơ, viết văn, âm nhạc, đàn hát, thêu thùa, vẽ, tạc tượng…
26. Suy ngẫm về điều thực sự quan trọng trong cuộc sống và giá trị của bạn là gì và làm thế nào bạn có thể tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa và có giá trị trong hiện tại
27. Suy ngẫm về hoàn cảnh của bạn từ góc độ lịch sử nhân loại, trong mối quan hệ với những người khác, trong quá khứ, hiện tại và tương lai
28. Tập trung vào cách bạn có thể đóng góp cho một thế giới công bằng và đạo đức
29. Tìm cảm hứng trong các bài tập chánh niệm, tâm linh hoặc tôn giáo
30. Hãy biết ơn những khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống, mặc dù thực tế là bạn đang sống
31. Hãy lập kế hoạch cho tương lai, ngoài đại dịch

Nguồn:


1. Tania B. & Georgina P. (2020). Professional Resilience. Community Pallitive Care and COVID-19. Page 97- 99, Ch. 8.
2. Joel V. (2020). Mental Health Risks. The Psychology of COVID-19. Page 121-123. Ch.6.


Dịch và tổng hợp: ThS BS. Nguyễn Minh Mẫn – Trưởng Đơn vị Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Các tin đã đăng