Các loại thuốc cần có trong nhà phòng dịch bệnh

25/08/2021 16:10:00

Mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn những loại thuốc không cần kê đơn sau, để xử trí tình huống mắc bệnh thông thường như ho, sốt, tiêu chảy, đầy hơi... hoặc tự điều trị những triệu chứng nhẹ khi mắc Covid-19.

Sốt, đau mỏi cơ khớp: Nhóm thuốc acetaminophen 500 mg (paracetamol) uống mỗi khi sốt trên 38 độ C. Liều dùng dưới 4 g/ngày đối với người không có bệnh lý gan, không nghiện rượu. Liều dùng an toàn theo khuyến cáo của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho người bệnh xơ gan, không nghiện rượu là 2-3 g/ngày, người nghiện rượu ≤2 g/ngày.

Đối với trẻ em, liều acetaminophen đường uống 10-15 mg/kg cân nặng, cách 4-6 giờ, không quá 75 mg/kg trong 24 giờ. Có thể sử dụng paracetamol dạng viên đặt hậu môn cho trẻ, liều khuyến cáo từ 10-20 mg/kg/ liều, cách 4-6 giờ.

Ho khan: Nhóm thuốc dextromethorphan 20-30 mg uống mỗi 6-8 giờ, tối đa 120 mg/ngày. Thuốc này được bán ở dạng viên nén hoặc siro. Hàm lượng viên nén 10-60 mg hoặc siro với nồng độ dextromethorphan 5 mg/5ml; 7,5 mg/5ml; 30 mg/5ml.

Bạn cần xem kỹ liều dùng trước khi uống. Người có tiền căn hen phế quản, người đang điều trị thuốc parkinson, điều trị thuốc chống trầm cảm hay rối loạn tâm thần cần được tư vấn theo dõi khi dùng thuốc.

Ho có đàm: Nhóm thuốc N-acetycystein 200 mg, uống mỗi 6-8 giờ. Trẻ em dưới hai tuổi uống 200 mg/ngày chia hai lần. Trẻ 2-6 tuổi uống 200 mg, hai lần mỗi ngày. Thuốc có tác dụng tiêu chất nhầy, giảm độ quánh của đàm. Thận trọng khi sử dụng trên người có tiền căn hen phế quản.

Rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy): Oresol 245 pha nước uống khi bị tiêu chảy. Một gói pha với 200 ml nước đun sôi để nguội, uống ngay sau khi đi tiêu.

Trường hợp chưa mua được oresol, bạn có thể pha dung dịch muối đường theo tỷ lệ 8 muỗng cà phê đường với một muỗng cà phê muối trong một lít nước đã đun sôi để nguội. Có thể uống xen kẽ với trà gừng (dạng túi gói pha sẵn) hoặc sử dụng vài lát gừng tươi hãm nước ấm uống.

Trào ngược dạ dày - thực quản/đầy hơi: Nhóm thuốc omeprazole 20 mg (hoặc esomeprazole 20 mg, hoặc pantoprazole 40 mg), uống một viên trước ăn 30 phút sáng, chiều. Người có tiền căn bệnh lý dạ dày cần tham vấn thêm với bác sĩ để có liều sử dụng phù hợp.

Bên cạnh những thuốc trên, bạn có thể chuẩn bị thuốc ho siro thảo dược, kẹo ngậm (kẹo gừng, chanh muối) để giảm cảm giác nhạt miệng. Vitamin C sủi liều 1 g/viên hoặc viên sủi tổng hợp nhóm B và C có thể dùng một viên mỗi ngày. Viên xông tinh dầu (eugica hoặc tragutan) hòa vào nước ấm để xông mũi khi có triệu chứng ngạt mũi.

Trong bữa ăn hàng ngày, bạn bổ sung thêm một số rau thơm như kinh giới, tía tô, húng cay, bạc hà... thái nhỏ để ăn với cháo hoặc ăn kèm với các món chính.
Nên chia nhỏ bữa ăn, cố gắng ăn nhiều lần trong ngày khi bị nhiễm bệnh để duy trì sức đề kháng cho cơ thể. Trường hợp người bệnh ăn ít trái cây, có thể thay thế bằng cách ép ra các loại nước sinh tố như nước ép ổi, cà chua, táo, lê... uống xen kẽ với nước lọc trong ngày.

Trong y học cổ truyền, các thảo dược có công năng long đờm giảm ho, như tỳ bà diệp, quất bì, tô tử, bạch giới tử... khi kết hợp trong bài thuốc thang giúp thúc đẩy khí huyết ra toàn thân. Tùy theo thể bệnh và giai đoạn bệnh có thể gia giảm thêm các vị thuốc duy trì chức năng của tạng phế, như bối mẫu, a giao, can địa hoàng... hoặc các vị bổ khí như nhân sâm, hoàng kỳ.

Sử dụng thuốc y học cổ truyền (chế phẩm hoặc thuốc thang sắc) giúp hỗ trợ điều trị các triệu chứng ho, đàm, chán ăn, mệt mỏi cho bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện triệu chứng nhẹ, trung bình. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc phù hợp.

Ngoài ra, người dân, nhất là các F0, cần tập các bài tập thở. Ví dụ, bài tập thở bụng: hít sâu từ từ bằng mũi cho bụng phình ra tối đa. Sau đó chu môi thở ra bằng miệng từ từ cho bụng xẹp xuống hết cỡ.

Khi tập không gắng sức, chia thành nhiều lần tập trong ngày và theo dõi các triệu chứng. Liên hệ với nhân viên y tế khi thấy khó thở, đếm nhịp thở trên 30 lần/phút, đo nồng độ oxy trong máu SpO2 < 95%, hoặc có các triệu chứng sốt cao không đáp ứng với hạ sốt, li bì, nôn ói nhiều. Người bệnh chủ động khai báo thông tin y tế và liên hệ với y tế địa phương thường xuyên để cập nhật diễn tiến bệnh.



Theo BS. Phạm Ánh Ngân - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3

 

Các tin đã đăng