Kiểm soát tình trạng béo phì trong thời gian giãn cách xã hội

23/09/2021 14:16:00

Theo TS BS. Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM), béo phì là tình trạng gia tăng và tích tụ quá mức lượng mỡ trong cơ thể, đặc biệt là ở vùng bụng (mỡ xung quanh các cơ quan trong bụng). Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 23 kg/m2 tới dưới 25 kg/m2 được xếp vào nhóm thừa cân, từ 25 kg/m2 trở lên sẽ được xem là béo phì.

Bệnh lý béo phì gây ra các rối loạn về chuyển hóa cũng như rối loạn chức năng của cơ thể và ảnh hưởng nặng nề đến những cơ quan khác như hô hấp, khớp, tim mạch...

Điều đáng lo ngại chính là béo phì thường không có triệu chứng gây khó chịu, người bệnh vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng lúc này họ đã có nhiều khả năng bị các bệnh lý như đột quỵ, bệnh mạch vành, mỡ máu… Tâm lý chủ quan khiến người bệnh không đi khám, làm quá trình chẩn đoán sớm và điều trị trở nên khó khăn.

👉👉 Phát hiện sớm và kiểm soát cân nặng thông qua chế độ dinh dưỡng, tập luyện

TS BS. Trần Quang Nam chia sẻ, người bệnh béo phì được khuyến khích bắt đầu từ việc kiểm soát cân nặng bằng các phương pháp không dùng thuốc như điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học và vận động điều độ.

Theo BS CKI. Ngô Cao Ngọc Điệp - Khoa Dinh dưỡng Tiết chế BV ĐHYD TPHCM chế độ ăn được đề nghị cho người bệnh béo phì có rối loạn đường huyết thường từ 1500-1800 kcal/ngày đối với nam và 1200-1500 kcal/ngày đối với nữ. Trong đó, tỷ lệ các nhóm đại dưỡng chất như chất bột đường, chất đạm và chất béo có trong khẩu phần phải được cá thể hóa, như phù hợp với mô hình ăn uống hiện tại, phù hợp thực phẩm địa phương, với sở thích...

Các nguyên tắc chính của chế độ ăn bao gồm: ăn uống điều độ, chọn lựa thực phẩm lành mạnh, kiêng ăn các thực phẩm ngọt và giàu béo, ăn vừa đủ chất đạm và tinh bột, ưu tiên chọn thực phẩm giàu chất xơ.

Song song với việc áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, người bệnh béo phì có rối loạn đường huyết cũng cần lên kế hoạch tập luyện thể chất phù hợp. Trong quá trình giảm cân, tập luyện giúp bảo toàn khối cơ xương, giúp tăng cường sự trao đổi chất từ đó duy trì số cân đã giảm được thông qua giảm calo hấp thụ ở khẩu phần ăn. Quá trình giảm cân được khuyến cáo nên thực hiện khoa học, an toàn và hợp lý để đảm bảo sức khỏe.

👉👉 Kiểm soát cân nặng trong thời gian giãn cách xã hội

TS BS. Trần Quang Nam lưu ý, trong thời gian giãn cách xã hội do COVID-19 như hiện nay, người bị thừa cân, béo phì rất dễ tăng cân do hạn chế vận động, không kiểm soát được lượng thức ăn vào cơ thể. Mặt khác, khi người bệnh đái tháo đường nhiễm COVID-19 rất dễ có biến chứng nặng.

Đặc biệt với người đái tháo đường kèm béo phì thì nguy cơ phải nhập viện do COVID-19 càng cao và có thể tăng khả năng tử vong. Chính vì vậy, người bệnh béo phì càng cần phải thực hiện chế độ ăn khoa học, duy trì tập luyện thể chất để kiểm soát cân nặng cũng như duy trì đường huyết ở mức ổn định.

Hiện nay, BV ĐHYD TPHCM triển khai hoạt động của nhóm điều trị béo phì đa chuyên khoa bao gồm các bác sĩ chuyên khoa Dinh dưỡng, Nội tiết, Tâm lý, Ngoại Tiêu hóa, Phục hồi chức năng… nhằm đảm bảo hội chẩn kỹ càng các trường hợp của người bệnh, từ đó đề ra hướng điều trị toàn diện và hỗ trợ người bệnh kịp thời để đạt được mục tiêu về cân nặng, hạn chế biến chứng do béo phì gây ra.

#benhviendaihocyduoc
#beophi

Các tin đã đăng