Con nhiễm COVID-19 xong thì học bài không được bác sĩ ơi!

24/03/2022 09:05:00

TTO - Một cô gái 19 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học ở TP.HCM, được ba đưa đến đơn vị tâm lý thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khám với lý do khó tiếp nhận thông tin khi học, học đến đâu quên đến đó!

"Con nhiễm COVID-19 xong thì học bài không được, con tập trung không nổi bác sĩ ơi! Con hay quên..." - nhiều bạn trẻ đã rất lo lắng tìm đến bác sĩ, mong bác sĩ tìm giúp lại trí nhớ cho mình.

Người có trí nhớ tốt bỗng hay quên
Tình trạng hay quên làm cô sinh viên hoang mang, lo lắng. Cô cho bác sĩ biết, cuối tháng 12-2021, cô bị nhiễm COVID-19. 
Người mệt mất 2 - 3 tuần, không mở sách vở học được. Đến khi hết bệnh, mỗi lần nghe thầy cô giảng bài trực tuyến, cô phát hiện mình tiếp thu bài rất khó khăn, đầu luôn trong tình trạng "trống rỗng", nghe xong cả một bài giảng nhưng lại không thể nhớ được gì.
Một tháng trôi qua, hai tháng trôi qua và tháng thứ ba... vẫn "khó nhớ và dễ quên". Trước đây, cô tiếp thu bài rất tốt, nhớ lâu... nên cô rất ngạc nhiên trước tình trạng này. Cô gái lo lắng kể với ba mẹ và ba cô đã đưa cô đi khám bác sĩ.
"Có cách nào điều trị cho con tôi để nhớ được như trước không bác sĩ?" - ba cô lo lắng hỏi bác sĩ.
BS CKII. Lâm Hiếu Minh - Đơn vị tâm lý Khoa khám bệnh Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết thời gian gần đây đơn vị tâm lý này tiếp nhận nhiều bạn trẻ đến khám với lý do khó tiếp nhận thông tin, không thể tập trung học, hay quên, học bài không còn tốt như ngày xưa...
Đặc biệt, nhóm bị tình trạng hay quên sau khi nhiễm COVID-19 lại là những người trẻ, đang là học sinh hoặc sinh viên đại học, là những người đang dùng trí nhớ để học tập.
"Những bạn trẻ này có thể có những triệu chứng khác kèm theo nhưng triệu chứng quên vẫn là nổi bật nhất", bác sĩ Minh cho hay.
Có những học sinh, sinh viên trước đây có trí nhớ rất tốt, có thể nghe qua bài giảng là nhớ ngay, nhưng hiện nay cũng than phiền "khó có thể tập trung, ghi nhớ được bài giảng". 
Trong số những người bệnh đến khám về sức khỏe tâm thần COVID-19 tại đơn vị, có đến 70% người bệnh than phiền về triệu chứng quên. Số bạn trẻ đến khám với những lời than phiền này cũng có xu hướng gia tăng.

5 di chứng đáng lưu ý
Theo bác sĩ Hiếu Minh, quên cũng là một triệu chứng của hậu COVID-19 thuộc về di chứng sức khỏe tâm thần. Đây là một trong 5 di chứng hậu COVID-19 gồm sức khỏe tâm thần, hô hấp, da liễu, thần kinh, tim mạch.
Tuy nhiên để xác định quên có phải của hậu COVID-19 hay không, các bác sĩ phải loại trừ triệu chứng quên từ những nguyên nhân khác.
Cụ thể, triệu chứng quên này không được liên quan đến một bệnh lão khoa nào khác như sa sút trí tuệ, không phải do tình trạng sử dụng chất nào đó tác động lên thần kinh và cũng không phải quên do bệnh lý tâm thần hậu COVID-19 như rối loạn cảm xúc, trầm cảm...
Những người bệnh bị tình trạng quên của hậu COVID-19 xuất hiện triệu chứng quên trong vòng 3 tháng sau khi bắt đầu có triệu chứng COVID-19, còn nếu sau 3 tháng nhiễm COVID-19 mới xuất hiện triệu chứng quên thì sẽ không được tính là triệu chứng của hậu COVID-19.
Triệu chứng quên cũng phải kéo dài hơn 2 tháng, chứ chỉ quên trong vài ngày thì cũng không được tính.

Quản lý stress, giảm căng thẳng
"Để chẩn đoán tình trạng quên này, bác sĩ sẽ dùng một số thang lượng về trí nhớ để đánh giá" - bác sĩ Minh cho hay.
Bác sĩ Minh nhấn mạnh những người bệnh này khó nhớ những thông tin mới, chứ không phải họ quên những thông tin cũ. Còn với những người bệnh hay quên những điều trước đó mà đã được ghi nhớ thì phải xem người bệnh có vấn đề về thần kinh hay không, có phải do một bệnh lý khác chồng lên bệnh lý này không?
Với trường hợp của cô gái, bác sĩ đã tư vấn cho người bệnh phải cân bằng lại nhịp sinh học, ăn, ngủ, vận động thể chất phải theo giờ giấc như trước dịch COVID-19, lưu ý việc vận động thể chất rất quan trọng. Nhịp sinh học bị thay đổi nên ảnh hưởng đến cơ thể và thần kinh. Phải giảm stress, giảm căng thẳng... Cần thay đổi cách học, ghi nhớ sao cho thật khoa học...
Nếu người bệnh thay đổi những điều này thì có thể sẽ phục hồi khả năng tiếp thu, trí nhớ như cũ. Còn trong một số trường hợp nặng hơn, không phục hồi được thì các bác sĩ sẽ phải điều trị bằng những loại thuốc liên quan hỗ trợ cho tuần hoàn máu não.
Theo bác sĩ Minh, triệu chứng "quên" như trên nếu được can thiệp, điều chỉnh sẽ hết. Khi có triệu chứng "quên", người bệnh cần đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ

Các tin đã đăng