Áp dụng thành công kỹ thuật mới điều trị Phình động mạch chủ ngực ở bệnh nhân lớn tuổi

15/10/2013 15:39:00

Ngày 15/10/2013, TS BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, bệnh viện vừa can thiệp thành công cho nữ bệnh nhân Lê Thị T., 86 tuổi, ngụ Bến Tre, bị phình động mạch chủ ngực có đường kính đến 6,5 cm, một bệnh lý nặng và nguy hiểm đến tính mạng.
 

Bệnh lý nguy hiểm của mạch máu lớn nhất cơ thể

 Trước đó, bệnh nhân T đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám vì đau âm ỉ ở vùng ngực trái. Bệnh nhân cho biết, suốt một tháng nay, bà thường có triệu chứng đau ngực sau xương ức, lan sau lưng, đau liên tục và âm ỉ ngay cả khi nằm. Dù đã được điều trị tại một số cơ sở y tế nhưng đau vẫn không thuyên giảm.

 Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, kết quả các xét nghiệm và chụp phim CT ngực - bụng có cản quang cho thấy bệnh nhân bị phình động mạch chủ ngực. Đáng nói, túi phình của bệnh nhân có đường kính đến 6,5 cm (bình thường dưới 4 cm), vị trí túi phình ở đoạn quai xa và đoạn đầu động mạch chủ ngực xuống.

 TS BS Nguyễn Hoàng Định phân tích: Động mạch chủ (ĐMC) là động mạch lớn nhất của cơ thể, xuất phát từ tim, đi xuống ngực (ĐMC ngực) và bụng (ĐMC bụng), cho các nhánh dẫn máu đến các tạng và các bộ phận trong cơ thể. ĐMC ngực chia thành ĐMC ngực lên, quai ĐMC, ĐMC ngực xuống. Phình ĐMC là tình trạng thành ĐMC thoái hóa, yếu đi và phình to ra. Khối phình sẽ tăng dần kích thước theo thời gian, lớn quá có thể chèn ép và làm tổn thương mạch máu, thần kinh lân cận, gây ra tình trạng rối loạn tưới máu khu vực. Cục huyết khối dễ hình thành trong túi phình, khi rời ra trôi theo dòng máu có thể gây tắc mạch làm tổn thương các tạng hoặc đột quỵ. Khi khối phình bị nứt hoặc vỡ sẽ gây xuất huyết cực kỳ nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời.


Trong hình là bà Lê Thị T. và 2 người con khi tái khám.

Áp dụng thành công kỹ thuật mới

 Phương pháp điều trị tiêu chuẩn của phình quai động mạch chủ ngực là phẫu thuật mở, đòi hỏi phải ngưng tuần hoàn tạm thời, sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể, hạ thân nhiệt. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật rất lớn, nhiều nguy cơ, thời gian hồi sức kéo dài, tỷ lệ tử vong cao, biến chứng nặng. Do đó, các bác sĩ của Trung tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã áp dụng phương pháp điều trị mới là đặt giá đỡ có phủ cho ĐMC ngực (phương pháp TEVAR). Giá đỡ được đưa vào ĐM đùi (qua một vết mổ nhỏ ở bẹn) hay ĐM cánh tay, đưa đến đoạn phình ĐMC và mở bung ra, giúp loại trừ đoạn động mạch bệnh lý, tạo nên độ vững chắc cho thành mạch, giảm nguy cơ vỡ túi phình và điều chỉnh dòng chảy trong lòng mạch đúng với sinh lý.

 Có hai phương pháp chính của đặt giá đỡ ĐMC:
  • Sử dụng loại giá đỡ có cửa sổ (hay còn gọi là giá đỡ có phân nhánh), để duy trì được các nhánh chính quan trọng của ĐMC (các nhánh đi tới đầu, tay, tủy sống, ruột, thận…) xuất phát tại đoạn đặt giá đỡ. Đây là một kỹ thuật khó, mất nhiều thời gian, và hiện tại chỉ có thể triển khai tại một số cơ sở.

  • Phương pháp TEVAR (đặt giá đỡ nội mạch tại động mạch chủ ngực). Đây là một phương pháp mới điều trị phình ĐMC. Giá đỡ loại thông thường (không có phân nhánh), làm bằng hợp kim Nickel – Titanium có phủ sợi polyester phía ngoài. Túi phình nằm ở đoạn quai ĐMC là nơi xuất phát của những mạch máu nuôi não và chi trên (như trường hợp của Bà T.), khi đặt giá đỡ sẽ cản trở dòng máu đi vào một số nhánh quan trọng nên trước khi đặt giá đỡ một vài ngày, cần thực hiện phẫu thuật kết hợp tức là làm một số cầu nối giữa giá đỡ với các nhánh lớn của quai ĐMC để bảo toàn việc tưới máu cho não và chi trên. Trước đây, cần phải chẻ xương ức, mở ngực để tiến hành làm các cầu nối này. Đối với bệnh nhân lớn tuổi hay có các bệnh kèm theo (như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…), việc mở ngực có nhiều nguy cơ. Để giảm thiểu nguy cơ, ê kíp phẫu thuật đã tiến hành làm các cầu nối qua các đường rạch da ở cổ mà không phải mở ngực, giúp cho ca mổ trở nên "nhẹ nhàng" hơn nhiều (xem hình vẽ mô tả).

 Sau khi được điều trị, bệnh nhân T. hồi phục nhanh chóng, tỉnh táo hoàn toàn, không yếu liệt tay chân, không có dấu hiệu tổn thương thần kinh và được xuất viện sau 6 ngày. Tái khám sau một tuần sau, bệnh nhân cảm thấy khỏe, có thể sinh hoạt bình thường, ăn uống được, không còn đau ngực, kiểm tra CT ngực cho kết quả tốt.

 Được biết, bệnh nhân T. là trường hợp đầu tiên bị phình động mạch chủ ngực được điều trị bằng phương pháp TEVAR tại BV ĐHYD TPHCM. Trong tương lai, việc áp dụng phương pháp mới này hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và hy vọng cho bệnh nhân vì ít biến chứng, tỷ lệ tử vong thấp, đặc biệt là những bệnh nhân lớn tuổi, nguy cơ cao, cần được can thiệp tối thiểu.

 Hiện nay, phình động mạch chủ ngực đã và đang trở thành vấn đề sức khỏe khi độ tuổi trung bình của dân số tăng lên và các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp xuất hiện ngày càng nhiều. Tại Mỹ, tần suất phình động mạch chủ ngực là 6 – 10 trường hợp/100.000 dân, trong đó 60% là phình động mạch chủ ngực đoạn lên, 10% phình quai động mạch chủ và khoảng 30% phình động mạch chủ ngực xuống. Có đến 70% bệnh nhân không điều trị sẽ bị biến chứng vỡ túi phình, tỷ lệ tử vong 90%. Tỷ lệ sống còn sau 5 năm nếu không điều trị dao động trong khoảng từ 15 – 55%.

Nguồn tin : ThS BS Ngô Bảo Khoa     

Các tin đã đăng