Vấn đề Điều Trị Đau

09/07/2016 14:26:00

Triệu chứng đau gặp tới 70% các bệnh nhân bị ung thư tiến triển và khoảng 65% các bệnh nhân đang chết dần chết mòn vì các bệnh không ác tính. Có thể giúp ích họ về y tế trong mầy tuần hoặc mấy tháng cuối khi còn tương đối ít đau.
 

Định nghĩa đau
Đau là một hiện tượng chủ quan phức tạp, là một cảm giác khó chịu và thường xuất hiện cùng lúc với tổn thương của các mô tế bào, ngoại trừ các trường hợp đau tự phát không xác định được rõ ràng nguyên nhân. Đau là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự sinh tồn, là dấu hiệu của bệnh tật và phải tìm nguyên nhân để chữa.
 

Phân loại đau

(1) Đau cấp xảy ra đột ngột sau một tổn thương, cường độ nghiêm trọng nhưng thường không kéo dài. Nếu là do một tổn thương mô thì nói chung sẽ hết đau khi tổn thương đã chữa khỏi. Bao gồm đau trước và sau mổ, đau sau chấn thương, đau do bỏng, đau cấp khi sinh con, thương tổn tủy sống, đau đầu cấp, HIV/AIDS, cơn đau của bệnh tế bào hình liềm, đau dây thần kinh V, đau do can thiệp (trong chẩn đoán và điều trị), cơn đau tụy và các cơn đau khác, nhồi máu cơ tim và các cơn đau tim khác, đau cấp trên nền đau mạn)…
(2) Đau mạn là chứng đau dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần và kéo dài lâu hơn thời gian dự tính, thường được định nghĩa một cách tương đối là đau kéo dài tử 3 tháng trở lên hoặc thất bại với điều trị thuốc tích cực, tác động xấu ít nhiều đến thể lực và cả về tâm lý. Đau mạn tính có thể bắt đầu như một đau cấp nhưng kéo dài lâu hoặc có thể đau tái đi tái lại do tổn thương vẫn tồn tại. Đau mạn cũng có thể không xác định được nguyên nhân. Đau mạn ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, bao gồm các hoạt động thể lực, học hành, ngủ, các quan hệ gia đình - xã hội và có thể dẫn đến buồn phiền, trầm uất, mất ngủ, mỏi mệt, thay đổi tâm tính.
Đau mạn thường được phân biệt thành đau mạn ác tính hay không ác tính.
Đau mạn ác tính bao gồm: đau ở các bệnh nhân ung thư, HIV/AIDS, bệnh xơ cứng teo cơ một bên, bệnh xơ cứng rải rác, giai đoạn cuối của suy tạng, bệnh phổi tắc nghẽn tiến triển, suy tim sung huyết nặng, bệnh Parkinson).
Đau mạn không ác tính bao gồm:
i) đau cơ-xương mạn thí dụ như đau tủy sống hay đau lưng thấp, viêm khớp thoái hóa mạn, viêm xương-khớp, viêm khớp dạng thấp, đau cơ-mặt, đau do thấp, đau đầu mạn, đau nửa đầu, đau xương;
ii) đau do bệnh thần kinh, đau sau tổn thương thần kinh và đau sau đoạn chi, bệnh thần kinh do đái tháo đường, các hội chứng đau từng vùng phức tạp (typ I và typ II), co thắt cơ xương, đau dây thần kinh sau mụn rộp (herpes), đau mạn sau phẫu thuật;
iii) đau tạng (thí dụ căng dãn các tạng rỗng và cơn đau quặn bụng); và
iv) đau mạn trong bệnh thiếu máu hồng cầu liềm.
 

 

Điều trị đau
Điều trị đau cấp tính. Trước đây đau cấp được cho là liên quan trực tiếp đấn tổn thương mô, cường độ và vị trí đau được coi là phản ánh chính xác tổn thương của mô. Đa số các tổn thương mô khỏi trong vòng 2-3 tháng và triệu chứng đau sẽ hết cũng trong khoảng thời gian đó. Ngày nay đau cấp được coi là những đáp ứng thích hợp của các hệ thống bảo vệ cơ thể, trong đó trải nghiệm đau kích hoạt các tác động bảo vệ cho đến khi khỏi và hồi phục. Điều trị đau cấp nhằm mục đích chữa nguyên nhân gây bệnh cơ bản và cắt đứt các tín hiệu có hại.
 

Điều trị đau mạn tính. Người bệnh đau mạn tính thường đi điều trị nhiều nơi, đến khám nhiều thầy thuốc và được điều trị bằng các phương pháp khác nhau, kết quả cuối cùng có thể là khỏi đau nhưng cũng có thể không khỏi hoặc không thuyên giảm. Điều này làm cho người bệnh lo lắng và mất niềm tin, bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn.
 

Việc chăm sóc và điều trị người bệnh tại một đơn vị đau được tổ chức chặt chẽ, chuyên môn hóa cao và phối hợp nhiều chuyên khoa là một biện pháp được đánh giá cao về tính hiệu quả và tính khả thi, cả trên phương diện cá nhân lẫn cộng đồng.
 

Sự chịu đựng đau bị giảm sút bởi: lo lắng, mất ngủ, mỏi mệt, buồn phiền, sợ hãi, giận dữ, buồn chán, trầm cảm, thu mình, xã hội bỏ rơi, cô lập về tinh thần.
 

Sự chịu đựng đau được tăng lên nhờ có: giảm nhẹ triệu chứng, ngủ, nghỉ ngơi hay vật lý trị liệu, điều trị thư dãn, sự thấu cảm, giải trí, đọc sách báo, nâng đỡ tâm trạng, liên hệ xã hội, ủng hộ thể hiện các cảm xúc.
 

Điều trị
Người bệnh đau mạn tính cần được đánh giá toàn diện về những tổn thương thực thể cũng như những tổn thương tâm lý. Điều trị chăm sóc toàn diện cho người bệnh có vấn đề về đau là điều cần thiết. Người bệnh sẽ được thăm khám và đánh giá toàn diện về bệnh tật và sẽ được tư vấn về tâm lý để giúp cho quá trình lành bệnh tốt về cả thực thể lẫn tinh thần.
 

Với phương châm điều trị đa mô thức cho nhóm bệnh lý đau mạn tính, việc điều trị được tiến hành với sự phối hợp nhiều chuyên khoa (Nội Thần Kinh, Ngoại Thần Kinh, Gây Mê Hồi Sức, Tâm lí trị liệu, Phục hồi chức năng…) nhằm thực hiện điều trị nội khoa tích cực, vật lý trị liệu, tư vấn tâm lý và kể cả các thủ thuật mới trong điều trị đau như:

- Tiêm thấm mặt khớp dưới sự hướng dẫn của C-arm điều trị đau cột sống.
- Đốt dây thần kinh bằng sóng cao tần điều trị đau cột sống, đau khớp cùng-chậu, đau dây thần kinh số V.
- Xử lý nhân đệm cột sống bằng sóng cao tần.
- Đặt điện cực kích thích dây thần kinh ngoại biên.
- Đặt điện cực kích thích tủy sống điều trị đau.
- Đặt điện cực kích thích vỏ não cho các bệnh nhân đau do nguyên nhân trung ương.
- Đặt bơm phóng thích chậm Baclofen trong điều trị đau do co cứng cơ.
 

 

PHỤ LỤC: Các bậc thang điều trị giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Giai đoạn 1 Không-thuốc phiện ± thuốc bổ trợ
(đau < 3/10)
Đau tiếp tục hay tăng?
Cần nhớ rằng điều trị bước 1 này có thể áp dụng cho mọi giai đoạn, nói cách khác ở từng giai đoạn, các thuốc giảm đau không-thuốc phiện là cơ sở cho việc xử trí đau. Chừng nào mà vẫn chưa có chống chỉ định thì paracetamol, aspirin hay NSAID vẫn cần được chỉ định có phối hợp hay không với thuốc giảm đau loại thuốc phiện (yếu hoặc mạnh) tùy theo mức độ đau của từng giai đoạn. Đây là khái niệm cho rằng đau được xử trí tốt nhất không phải bằng đơn độc một thứ thuốc mà là những kết hợp đạt hiệu quả tối đa trong khi các tác dụng phụ lại thấp. Nghiên cứu cho thấy khi này, tác dụng hợp đồng của giảm đau được cải thiện, liều lượng các thuốc giảm đau cần đến sẽ ít hơn và các tác dụng phụ sẽ giảm bớt.
 

Giai đoạn 2 Thuốc phiện cho đau từ nhẹ đến vừa ± không-thuốc phiện ± thuốc bổ trợ
(đau 3-6/10)
Đau tiếp tục hay tăng?
Khi đau nhẹ, khởi đầu là dùng các thuốc phiện yếu như codeine và các dẫn suất của nó. Khi đau vừa phải và sau nặng dần, cuối cùng tăng lên dùng các thuốc phiện nặng như morphine, oxyxodone, hydrocodone, methadone và fentanyl cho các đau ở mức cao nhất. WHO cũng đề cập việc cần đến các thuốc bổ trợ như các thuốc dãn cơ, các thuốc chống co giật, các thuốc chống loạn thần, các thuốc chông trầm cảm, các corticosteroids, các thuốc chống lo âu và các thuốc kích thích tâm thần.
 

Giai đoạn 3 Thuốc phiện cho đau từ vừa đến nặng ± không-thuốc phiện ± thuốc bổ trợ
(đau > 6/10) -
Mục đích: thoải mái hết đau.
Tất cả bệnh nhân thuộc giai đoạn này cần được sử dụng điều trị thử giảm đau bằng thuốc phiện. Nâng cấp với thuốc phiện nặng khi các thuốc giảm đau dùng cho giai đoạn 1 và 2 thất bại trong các trường hợp đau ít trầm trọng hơn. Không dùng các thuốc giảm đau tương đương với một thuốc đã thất bại.
 

BS Nguyễn Minh Anh

Các tin đã đăng