Ám ảnh giữa lằn ranh sinh - tử

13/10/2016 14:23:00

Từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, bị bắt và phải hứng chịu những cuộc tra tấn tưởng như chết đi sống lại nhưng trong ký ức, bà Lê Thị Hoa (64 tuổi) luôn bị ám ảnh bởi khoảng thời gian 6 năm điều trị căn bệnh viêm gan C, sau đó tiến triển thành u gan.
 


 

Từ Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), bà Hoa cùng con trai bắt chuyến xe sớm nhất vào TP.HCM, đến gặp bác sĩ theo lịch tái khám định kỳ. Cầm trong tay bộ hồ sơ và chiếc giỏ xách đã bạc màu, bà Hoa tiến lại hàng ghế, vừa tranh thủ ăn bữa sáng, vừa đợi y tá gọi tên theo số thứ tự. “Tôi bắt xe từ 3 giờ sáng, vào tới Sài Gòn khoảng 6-7 giờ, nếu gặp may, tôi có thể hoàn thành mọi thủ tục tái khám và trở về nhà trong ngày. Nhưng nếu có vấn đề gì bất thường, bác sĩ giữ lại để làm thêm các xét nghiệm, thì tôi phải thuê nhà nghỉ”, bà Hoa cho biết.
 

Bà Hoa vốn là thanh niên xung phong, tham gia kháng chiến chống Mỹ vào những năm 1965. Bà từng bị địch bắt và tra tấn. Sau khi chiến tranh kết thúc, bà kết hôn, sinh con, làm rẫy và sống nhờ vào số tiền trợ cấp thương binh hạng 2/4 của Nhà nước. Khi 2 con đều trưởng thành và kết hôn, bà Hoa những tưởng sẽ được an nhàn nhưng lúc này, căn bệnh viêm gan C và loét dạ dày cùng ập đến, khiến một lần nữa bà lại phải bước vào “cuộc chiến”. Bà Hoa kể: “Năm 2010, tôi thấy trong cơ thể mệt quá, cứ 4 giờ chiều là sốt nên tìm đến bác sĩ để được điều trị. Suốt 2 tháng không khỏi bệnh, tôi vào TP.HCM khám tổng quát, bác sĩ nói tôi bị loét bao tử và viêm gan C. Khi đó tôi suy sụp lắm”.
 

Kể từ khi biết bệnh, bà Hoa được bác sĩ tư vấn về phương pháp điều trị, đặc biệt là giữ cho men gan không tăng và uống thuốc chữa viêm gan C. Sau 2 tháng uống thuốc, lần trở lại bệnh viện tái khám, bệnh viêm gan C của bà Hoa không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu chuyển nặng, vì vậy, bác sĩ chỉ định bà chuyển từ uống thuốc qua chích trực tiếp. “Bác sĩ cho thuốc về chích tại trạm y tế xã, mỗi tháng 4 mũi. Nhưng được khoảng 2-3 tháng thì lượng hồng cầu giảm, bác sĩ phải chích bổ sung thuốc tăng hồng cầu. Cứ như vậy trong suốt 13 tháng, 1 mũi thuốc viêm gan C lại phải chích đan xen 1 mũi thuốc tăng hồng cầu, tôi nhớ mình chích hết khoảng 52 mũi thuốc viêm gan C thì bác sĩ cho dừng, chuyển qua loại thuốc uống. Tôi mừng lắm, vì nghĩ bệnh điều trị hiệu quả, nhưng sau 6 tháng, trở lại tái khám, mọi thứ hoàn toàn không như tôi mong đợi”, bà Hoa kể.
 


Bác sĩ kiểm tra phim chụp cho bà Hoa
 

Sau gần 2 năm kiên trì điều trị viêm gan C, những tưởng hành trình chữa bệnh sẽ khép lại nhưng kết quả tái khám tại bệnh viện cho thấy bà Hoa đã mắc khối u gan lớn 4cm khiến cả gia đình như quị ngã. “Khi đó, thời gian tái khám chưa tới nhưng tôi thấy trong người mệt, sụt cân, chán ăn, biết cơ thể có dấu hiệu không ổn nên đi khám sớm. Không ngờ…”, bà Hoa bỏ lửng câu nói.
 

Kể cho chúng tôi nghe về khoảng thời gian dài chống chọi với căn bệnh của mình, người phụ nữ tóc đã ngả bạc không giấu được nỗi bất an nhưng thẳm sâu trong đôi mắt mờ đục vẫn ánh lên sự mạnh mẽ. Bà bảo, mất khoảng 2 tuần để có thể đối diện với thực tế căn bệnh ung thư gan, sự sống và cái chết cận kề luôn ám ảnh nhưng bà không muốn đầu hàng số phận. Một câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí: “Mưa đạn, tra tấn, điều kiện khắc nghiệt trong chiến tranh, nhưng vẫn sống. Vậy lẽ nào căn bệnh này có thể xô ngã?”. Nghĩ vậy, bà Hoa trở lại Sài Gòn, tìm đến bác sĩ và được tư vấn phẫu thuật nội soi loại bỏ khối u. 15 ngày sau phẫu thuật, bà được xuất viện trong niềm vui vỡ òa của cả gia đình. Nhưng bà biết, đó mới chỉ là bước khởi đầu cho hành trình dài, tiếp tục với những chuỗi ngày uống thuốc, tái khám và theo dõi.
 

Nhiều năm trôi qua, bà Hoa vẫn giữ thói quen trở lại bệnh viện kiểm tra sức khỏe sau mỗi 2 tháng, vẫn uống thuốc điều trị viêm gan C và loét dạ dày, nhưng không còn sợ hãi, hoang mang và bất an như trước. Bà chia sẻ: “Trước kia, cân nặng của tôi là 60kg, nhưng khi chích thuốc điều trị viêm gan, tôi chỉ còn 40kg, phẫu thuật xong thì tăng cân bình thường. Ngày nào cũng phải uống thuốc bao tử và viêm gan, nhưng tâm trạng không còn mệt mỏi như trước đây nữa. Đó là hành trình dài, từng bước qua lằn ranh sinh - tử với biết bao nỗi ám ảnh, song khi đã ở độ tuổi không còn trẻ để sợ hãi, tôi nhận thấy việc đối diện với mọi khó khăn đã trở nên dễ dàng hơn”.
 

Thạc sĩ Trần Công Duy Long (khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM)

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tại Việt Nam, ung thư gan do viêm gan B gây ra chiếm 70% các bệnh, 20% do viêm gan C, nhóm còn lại do uống rượu và một số bệnh khác. Lỗ hổng ở đây là việc chủng ngừa viêm gan B chưa đầy đủ và việc tầm soát ung thư gan chưa được thực hiện triệt để. Bởi nếu phát hiện ung thư gan sớm thì chi phí điều trị sẽ không cao, tiên lượng sống sau 5 năm đạt trên 70%.

Khác với các loại ung thư khác, ung thư gan rất khó nhận biết ở giai đoạn sớm. Người bệnh khi thấy xuất hiện triệu chứng đau tức hoặc vàng da thì u đã lớn và tình trạng xơ gan cũng đã nặng. Vì vậy, biện pháp tầm soát hiệu quả nhất là dựa vào siêu âm, CT Scan hoặc chụp MRI.

Có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan, trong đó, 3 nhóm điều trị hết bệnh là ghép gan, phẫu thuật cắt khối u và đốt. Với phương pháp ghép gan, bệnh nhân cần có nguồn gan hiến tặng từ người thân hoặc người cho chết não. Tuy nhiên, chỉ phù hợp cho bệnh nhân có khối u, xơ gan nặng nhưng không quá trễ. Với phẫu thuật cắt khối u, dành cho những trường hợp gan không quá xơ, bệnh nhân đủ sức khỏe để trải qua cuộc phẫu thuật. Với phương pháp đốt, bệnh nhân không cần mổ xẻ, bác sĩ chỉ đưa cây kim vào, xuyên qua da vào gan, xuyên tâm bướu, phát nhiệt làm cháy khối bướu. Phương pháp này chỉ phù hợp với khối u dưới 3cm, nếu chỉ định đúng, bệnh nhân chỉ cần đốt 1 lần.

Ngoài 3 cách điều trị trên, phương pháp TACE - cắt mạch máu nuôi dưỡng khối u, bơm thuốc diệt ung thư nhằm ngăn cản sự phát triển của khối u chỉ giúp bệnh nhân kéo dài sự sống chứ không thể khỏi bệnh. Tùy giai đoạn bệnh, tỉ lệ sống 2 năm của phương pháp này chỉ khoảng 50%.

Để phòng tránh ung thư gan, cần chủng ngừa viêm gan với 100% trẻ em sinh ra. Đưa vấn đề tầm soát viêm gan vào thường quy trong khám sức khỏe định kỳ, vì xét nghiệm viêm gan không tốn nhiều chi phí. Đối với những trường hợp viêm gan B, C mạn tính, cần tầm soát ung thư gan mỗi 6 tháng, nếu có xơ gan thì mỗi 3 tháng.

Hà Đông
Theo http://phunuvietnam.vn/

Các tin đã đăng