Nhà giáo nhân dân - GS. TS. BS. Nguyễn Đình Hối: Người cha mẫu mực, người thầy toàn diện

22/02/2017 10:53:00

(Sức Khỏe – khoe24h) Khi tôi đặt bút điền hồ sơ thi đại học vào trường Đại học Y Dược TP. HCM mà không cần suy nghĩ hay có lựa chọn nào khác, tôi đã biết ngành Y chính là định mệnh “cha truyền – con nối” của mình. Sau này, trên bước đường tôi đi, trong mỗi mốc thời gian với chút thành tựu của sự nghiệp Y khoa, đều có hình ảnh và lòng biết ơn của tôi đối với người Cha, người Thầy vĩ đại nhất trong cuộc đời mình.

Tôi không nhớ rõ năm bao nhiêu tuổi thì tôi biết đến ngành Y. Tôi chỉ nhớ những kỷ niệm từ rất nhỏ. Như hầu hết các gia đình khác ở miền Bắc khi đất nước chưa hoàn toàn giải phóng, cuộc sống gia đình tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trong giờ hành chính, khi bố mẹ đi làm việc thì gửi con đi nhà trẻ, buổi chiều đón về và tự chăm sóc. Nhà tôi, cả bố mẹ đều làm trong ngành Y nên đều phải tham gia trực gác. Có những ngày bố và mẹ đều đi trực, tôi theo bố đến bệnh viện, em gái theo mẹ đến cơ quan. Tôi nhớ nhất một buổi chiều khi vừa tan tầm (hết giờ làm việc), bố đến nhà trẻ đón tôi về nhà. Hai cha con ở nhà chưa kịp ăn cơm đã nghe tiếng còi xe cứu thương, vậy là phải trở vào bệnh viện. Thời đó chưa có điện thoại di động, ngay cả điện thoại bàn cũng rất hiếm nên mọi việc khám, hội chẩn, mổ cấp cứu là bệnh viện lại cho xe cứu thương đến nhà đón. Vì tối đó mẹ tôi đi trực và em gái đã đi theo mẹ nên bố bế luôn tôi lên xe cứu thương vào thẳng bệnh viện Việt Đức. Tôi vẫn nhớ là tôi phải chờ ở phòng ngoài của phòng mổ, các cô y tá qua lại chăm sóc tôi. Hình ảnh của ca mổ, hình ảnh tôi nhìn từ ngoài vào thấy rất đông người chụm đầu vào nhau, dưới đất là một bình thủy tinh (bình hút) chứa đầy máu. Hình ảnh này như một ký ức đầu tiên về ngành Y, vẫn in đậm trong tôi tới ngày hôm nay. Đó cũng là hình ảnh cho tôi khái niệm đầu tiên về ngoại khoa. Xong ca mổ, bố tôi rửa tay và lại ôm tôi ra xe cứu thương trở về nhà. Sau này, việc theo bố đi xe cứu thương vào bệnh viện để chờ bố làm việc diễn ra nhiều lần nữa đã trở thành quen thuộc và bình thường với tôi. Thời gian trôi qua, tôi cũng dần lớn lên, có thể tự lo cho mình nên cũng không còn theo bố vào bệnh viện, nhưng những hình ảnh đó có lẽ đã định hình và định hướng cho tôi lớn lên sẽ trở thành một phẫu thuật viên.

 
GS. TS. BS. Nguyễn Đình Hối, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược, Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ, Giáo sư Trương Công Trung, Tạp chí Sức Khỏe, khoe24h
BS. Nguyễn Đình Hối trao đổi cùng các đồng nghiệp
 
Tôi vẫn nghĩ rằng mình là một đứa trẻ may mắn. Vì gia đình tôi cũng như bao gia đình khác, trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, tôi và em gái cũng phải tự lập từ rất sớm, chia sẻ đỡ đần với bố mẹ. Không có điều kiện và cũng chưa có trường lớp “dạy kỹ năng” như hiện nay, nhưng chúng tôi lại được giáo dục bởi hai người Thầy đầu tiên tuyệt vời, tạo những nền tảng vững chắc cho chúng tôi trong việc định hình nhân cách, nhân sinh quan cuộc sống qua từng hành vi nhỏ. Tôi đã được học từ bố cách đối nhân xử thế, từ cách bố làm việc với các Thầy, các đồng nghiệp đến bệnh nhân, hoặc người thân. Phải luôn có kế hoạch, cho dù đó là công việc ở bệnh viện hay trong gia đình. Bố bảo, phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản nhất trong đối xử với người khác: giữ chữ tín: đã nói, đã hứa thì phải làm; và phải luôn đúng giờ. Bố gần như chưa bao giờ sai hẹn với ai.

Bố tôi có một điều đặc biệt là ông rất nghiêm túc trong sinh hoạt ở gia đình. Mẹ tôi là người quán xuyến hết mọi việc nội trợ, chăm con, đi chợ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… để bố dành thời gian cho công việc và sách vở. Tuy vậy, bố luôn có mặt trong bữa cơm tối gia đình trao đổi việc xảy ra hàng ngày, để hỏi các con việc học hành, từ đó nhắc nhở và dạy bảo chúng tôi khi ông thấy cách cư xử của chúng tôi chưa phù hợp. Chính nhờ “bữa cơm giao ban” được duy trì mỗi ngày cho đến tận hôm nay mà chúng tôi học được những “kỹ năng sống” mà không sách vở nào dạy được! (...) Những bài học đầu tiên về ứng xử và giao tiếp bố kể hàng ngày cho tôi đều liên quan đến các Thầy, như Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ, Giáo sư Trương Công Trung và các bậc đàn anh khác với sự kính trọng và ý tứ tuyệt đối. Đối với bố, ngành Y vừa kết hợp ngành Giáo dục nên sự tôn kính người trên về tuổi tác, kinh nghiệm, chuyên môn là một tôn chỉ bắt buộc trong ứng xử và phải được truyền cho mọi thế hệ.

Năm 1980, khi tôi 13 tuổi, cả gia đình chuyển vào Nam. Bắt đầu cuộc sống mới tại TP. HCM sau khi vừa giải phóng, lệnh cấm vận của Mỹ vẫn còn, mọi thứ đều thiếu thốn kể cả lương thực, điện, nước… Tôi và em gái vừa học vừa tranh thủ giúp mẹ kiếm thêm thu nhập từ việc đi giao nước đá, vắt sổ… nhưng hễ vì lý do “làm việc” mà bị điểm kém là bố nhắc nhở ngay!...

Vào nhận nhiệm vụ tại Đại học Y Dược TP. HCM, bố tôi đau đáu việc làm thế nào vừa phát triển trường, vừa tạo điều kiện cho các giảng viên tăng thêm thu nhập và phát triển chuyên môn. Trong gia đình, mẹ tôi lúc đó cũng đã nghỉ hưu sớm để có thêm thời gian lo cho chúng tôi ổn định cuộc sống mới. Muôn vàn khó khăn và áp lực “cơm áo gạo tiền” nhưng bố tôi vẫn lắc đầu với những lời đề nghị mở phòng khám riêng hoặc liên kết mở phòng khám để tăng thu nhập; mặc dù với khả năng chuyên môn và kinh nghiệm cũng như tác phong của bố thì chắc chắn phòng khám sẽ đông khách. Bố chỉ nói đơn giản, nếu mở phòng khám thì là mở phòng khám của Trường! Bố tôi luôn xem việc giảng dạy lâm sàng là nhiệm vụ chính và là trách nhiệm với các học trò; mỗi buổi giao ban hay đi buồng bệnh không chỉ là những bài giảng thực tế mà còn là những lúc bố truyền cảm hứng và kinh nghiệm cho sinh viên. Dạy ở giảng đường, ở bệnh viện chưa đủ, bố còn đưa các anh chị sinh viên về nhà để dạy thêm vào buổi tối. (…) Bố chỉ dạy cho các anh chị từng cách đọc phim X-quang qua các bộ slide mà bố tích cóp trong quá trình làm việc tại Bệnh viện Việt Đức. Thời đó chưa có máy vi tính cũng chẳng có internet, sách Y khoa hầu hết là tiếng nước ngoài và cũng rất khó kiếm lại đắt tiền nên tư liệu học tập cho sinh viên rất hạn chế. Bố chịu khó chụp lại các phim rồi lồng khung, bỏ vào máy chiếu, chiếu lên tường để giảng cho sinh viên. Dù trong hoàn cảnh nào, với lòng đam mê giảng dạy, yêu nghề, bố cũng luôn tìm cách tốt nhất để truyền kiến thức cho học trò.
 
GS. TS. BS. Nguyễn Đình Hối, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược, Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ, Giáo sư Trương Công Trung, Tạp chí Sức Khỏe, khoe24h
GS. TS. Nguyễn Đình Hối vui mừng khi được đón nhận vinh dự 40 năm tuổi Đảng
 
Với tư cách trưởng khoa Y, bố bắt đầu chuỗi ngày gian nan để xin ra được phòng khám bệnh của Trường Đại học Y Dược TP. HCM. Lúc đó tôi cũng đã tốt nghiệp Đại học Y Dược và bắt đầu làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bố một mặt khuyến khích tôi nâng cao tay nghề phẫu thuật viên bằng cách phải tham gia mổ thật nhiều, và tranh thủ truyền đạt kinh nghiệm phẫu thuật cho tôi mọi lúc mọi nơi, kể cả trong “bữa cơm giao ban” hằng ngày với vô số câu hỏi xử lý tình huống. Bố nói: “Thành công của bác sĩ ngoại khoa không phải là mổ đẹp thế nào, mà đầu tiên là chỉ định đúng! Ngoài ra, nếu đã có chỉ định mổ mà vẫn giúp bệnh nhân không phải mổ mà vẫn hết bệnh mới là xuất sắc!”…

Năm 2000, tôi chính thức rời Bệnh viện Chợ Rẫy để về Bệnh viện Đại học Y Dược phụ giúp bố trong công tác quản lý. Nhưng thực ra, kể từ thời gian này, tôi được học thêm những kỹ năng quản lý của bố, đặc biệt là quản lý nhân sự từ kinh nghiệm của ông. Bàn của một người làm quản lý sau khi kết thúc công việc hàng ngày là một bàn trống và sạch sẽ. Tất cả mọi việc được giải quyết ngay trong ngày, ông có một phương châm: không quan trọng hóa mọi vấn đề. Ông nói: việc lớn phải biến thành nhỏ, việc nhỏ coi như không có. Chính vì vậy, Ông xử lý công việc khá đơn giản nhưng hiệu quả cao...

Bệnh viện Đại học Y Dược ngày càng tạo được uy tín cao trong giới chuyên môn và cả cộng đồng. Quy mô bệnh viện 3.000m2 phát triển từ phòng khám trở nên quá chật chội, xét cả về diện tích và nhu cầu của cán bộ nhân viên, người dân. Thầy Hối bắt đầu suy nghĩ về cột mốc mới, mở rộng và phát triển quy mô của bệnh viện hiện hữu. Lúc này, với vị trí Phó Giám đốc luôn được sát cánh bên cạnh ông, tôi đã học được vô vàn kinh nghiệm quý báu và sự bình tĩnh để chinh phục được các thử thách, khi công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi, suôn sẻ như ý muốn.

Để có được một bệnh viện Đại học Y Dược bề thế như ngày hôm nay, ít ai biết được quá trình vận động, xin xỏ, đấu tranh và có khi phải “làm liều” để hình thành được dự án xây dựng bệnh viện...

Dự án bệnh viện mới đang thực hiện, mọi việc đang tiến triển thì đột nhiên ông bị tai nạn ngã chấn thương cột sống khi đang tập thể dục. Phải nằm yên một chỗ là một điều “kinh khủng” với người suốt ngày làm việc như ông. Sau một thời gian dài điều trị, không muốn ảnh hưởng đến công việc chung, ông rời vị trí quản lý của trường Y và cả bệnh viện. Khi bình phục, ông vẫn vào bệnh viện hàng ngày để làm cố vấn chuyên môn, duyệt mổ, viết sách…

Bệnh viện mới hoàn thành và đi vào hoạt động, tuổi già lại ập đến với ông thật nhanh. Niềm vui lúc này của ông càng đơn giản hơn, là nhìn thấy nụ cười và lời chào hỏi của nhân viên bệnh viện hàng ngày, và của đứa cháu nội nhỏ mà ông vô cùng yêu thương. Lịch làm việc của ông, như 20 năm qua vẫn không thay đổi: Sáng dậy, sau khi làm vệ sinh, ngồi vào bàn làm việc đến giờ ăn sáng rồi đi làm. Chiều về, tiếp tục ngồi bàn làm việc, tưới cây, ăn tối, nghỉ ngơi đến 8 giờ tối, ngồi vào bàn đọc sách và viết đến 11 giờ. Lịch làm việc đều đặn cho đến những năm gần đây sau khi xong cuốn sách Sỏi đường mật.
 
GS. TS. BS. Nguyễn Đình Hối, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược, Bệnh viện Đại học Y Dược, Đại học Y Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Nguyễn Trinh Cơ, Giáo sư Trương Công Trung, Tạp chí Sức Khỏe, khoe24h
Sau ca mổ, GS. Hối trao đổi, phân tích tỉ mỉ mẫu bệnh phẩm cho con trai - BS. Hoàng Bắc
 
Bố luôn muốn tôi phải giỏi hơn bố, phải thành công hơn bố. Bố cho tôi học những điều mới nhất trong cả chuyên môn y khoa và quản trị. Bố khuyến khích tôi thử thách vào những xu hướng mới nhất của thế giới. Nhưng tôi biết rằng, tôi không thể sánh được với bố về những tố chất lãnh đạo bẩm sinh, khả năng thu hút mọi người cũng như kho tàng kiến thức của ông. Tôi chỉ cố gắng vận dụng những kiến thức mới, kết hợp kinh nghiệm mà bố cho tôi và chăm chỉ hằng ngày. Tự đáy lòng mình, tôi luôn biết ơn và tự hào được làm con của bố tôi, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Hối!
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Bắc
Phó Hiệu trưởng Đại học Y Dược, TP. HCM
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược, TP. HCM
Nguồn: Tạp chí Sức Khỏe - http://www.khoe24h.vn

Các tin đã đăng