Làm sao để nhận biết cơn đau tim 'chết người'?

24/03/2017 11:24:00

 
Khi cơn đau ngực đột ngột xuất hiện dữ dội kéo dài 10 - 20 phút không đỡ, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện điều trị ngay. Vì có thể đó là cơn nhồi máu cơ tim cấp, có nguy cơ chết người.
 
Nhận biết cơn đau tim “chết người”
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Giám đốc Trung tâm tim mạch (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM): Nhồi máu cơ tim cấp là kết quả của sự tắc nghẽn đột ngột và hoàn toàn lưu lượng máu đến nuôi động mạch vành, thường có nguyên nhân do huyết khối.
Huyết khối thường được hình thành ở vị trí của mảng xơ vữa động mạch.
“Cơ chế hình thành cục huyết khối rất phức tạp, phụ thuộc vào tuổi và giới tính. Ở đàn ông và phụ nữ lớn tuổi thường do vỡ mãng xơ vữa, ở phụ nữ trẻ thường do loét mảng xơ vữa”, bác sĩ Bình cho biết.
Bác sĩ Bình nhấn mạnh, biểu hiện của bệnh nhồi máu cơ tim cấp là cơn đau thắt ngực cấp tính.
 
Cụ thể: Đau ngực sau xương ức hay ngực trái, có thể lan lên cằm - vai hoặc tay trái. Cơn đau này thường xuất hiện khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức rất nhẹ. Bệnh nhân cũng có thể có cảm giác nghẹn - thắt chặt hay đè ép. Đau ngực dữ dội: đau làm người bệnh không thể chịu nổi, đau muốn ngất, chưa bao giờ trải qua cơn đau như vậy; đau làm người bệnh không thể tiếp tục những công việc thường ngày, … Cơn đau kéo dài hơn 30 phút. Cơn đau không giảm khi nghỉ ngơi hay ngậm dưới lưỡi bằng thuốc dãn mạch Nitroglycerin.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có các triệu chứng đi kèm như: vã mồ hôi, khó thở, có thể có ngất.
Một số trường hợp nặng, người bệnh có thể bị tụt huyết áp, choáng tim và đột tử.
“Chính vì tính chất nguy hiểm của bệnh lý này, nguy cơ tử vong cao nên khi người bệnh có các triệu chứng gợi ý như trên; đặc biệt, cơn đau ngực xuất hiện cấp tính dữ dội kéo dài 10 - 20 phút không đỡ, bệnh nhân cần đến bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”, bác sĩ Bình khuyến cáo.
Theo bác sĩ Bình: “Nếu người bệnh đến trễ quá 12 giờ (từ khi xuất hiện triệu chứng) thì cơ hội can thiệp thành công sẽ không còn nữa”.
 
Với bệnh nhồi máu cơ tim, thạc sĩ - bác sĩ Trần Hòa, Trưởng Đơn vị Can thiệp nội mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nhận định: Bệnh nhân phải được đưa đến bệnh viện càng nhanh càng tốt. Thời gian chính là cơ tim. Người bệnh phải được can thiệp cấp cứu để tái thông mạch máu bị tắc (nong bóng). Càng kéo dài thì cơ hội cho người bệnh càng mất, tỷ lệ tử vong càng tăng.
Trong đó, bác sĩ Bình cho biết: Thời gian “vàng” từ lúc người bệnh đến cửa bệnh viện cho đến khi được can thiệp nong bóng là dưới 90 phút.

Những người có nguy cao nhồi máu cơ tim
Bác sĩ Bình cho biết, những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim là: lớn tuổi, nam giới, gia đình có người mắc bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược can thiệp cấp cứu để tái thông mạch máu bị tắc (nong bóng) cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim 
Việc hút thuốc lá, lối sống thiếu vận động thể lực, yếu tố tâm lý (căng thẳng, stress), thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường,… cũng là những nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
 
Bên cạnh đó, bác sĩ Hòa nhận định, bệnh nhồi máu cơ tim hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa.
Vì vậy, các bác sĩ khuyên, nhóm người có nguy cơ cao cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, người dân nên điều chỉnh lối sống lành mạnh tránh các nguy cơ gây bệnh kể trên.
Trung tâm tim mạch (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) ghi nhận trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1- 2 trường hợp cấp cứu nhồi máu cơ tim.
 
Nguồn: http://thanhnien.vn

Các tin đã đăng