Nhiễm xạ khi chụp X-Quang và CT Scan

27/05/2013 13:33:00

  • TIA X LÀ GÌ?

    Tia X là dạng năng lượng bức xạ, giống như ánh sáng hay sóng vô tuyến. Khác với ánh sáng, tia X có thể xuyên thấu cơ thể và vì thế có thể giúp người ta tạo ra được hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể. Bác sĩ X-quang có thể xem những hình ảnh này trên phim ảnh, trên màn hình hay trên máy vi tính.

    Các khám nghiệm X-quang cung cấp thông tin có giá trị về sức khỏe và giữ vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh chính xác. Trong vài trường hợp, tia X được dùng để hỗ trợ việc đặt các ống hay các thiết bị khác vào cơ thể hoặc phối hợp với các thủ thuật điều trị khác.
     
  • ĐO LIỀU BỨC XẠ
     

    Ngôi nhà không có chỗ cho khí radon
    Đơn vị dùng để đo liều bức xạ, thường được gọi là "liều hiệu dụng", là millisievert (mSv). Các đơn vị khác bao gồm rad, rem, Roentgen, Sievert, và Gray.

    Vì các mô và tạng khác nhau có độ nhạy cảm khác nhau với phơi nhiễm bức xạ, nguy cơ bức xạ thực sự từ một thủ thuật X-quang đối với các bộ phận khác nhau của cơ thể cũng khác nhau. Thuật ngữ "liều hiệu dụng" được dùng để chỉ nguy cơ bức xạ trung bình trong toàn bộ cơ thể.

    Liều hiệu dụng giải thích độ nhạy cảm tương đối của các mô phơi nhiễm khác nhau. Quan trọng hơn, nó cho phép định lượng nguy cơ và so sánh với sự phơi nhiễm từ nhiều nguồn quen thuộc hơn – từ bức xạ nền trong tự nhiên đến các thủ thuật X-quang trong y học.
     
  • NHIỄM XẠ "NỀN" XẢY RA TỰ NHIÊN
     

    Khí radon có mặt với một liều lượng nào đó tại khắp mỗi nhà.
    Chúng ta lúc nào cũng bị phơi nhiễm phóng xạ từ các nguồn tự nhiên. Theo các ước tính gần đây, ở Mỹ, một người trung bình nhận một liều hiệu dụng khoảng 3 mSv mỗi năm từ các hoạt chất phóng xạ tự nhiên và bức xạ vũ trụ từ ngoài không gian. Những liều xạ nền tự nhiên này thay đổi trên khắp nước Mỹ.

    Dân cư vùng cao nguyên Colorado hay New Mexico nhận một liều cao hơn khoảng 1,5 mSv mỗi năm so với những người sống gần mực nước biển. Liều thêm vào từ tia vũ trụ trong suốt một chuyến bay khứ hồi dọc bờ biển bằng máy bay thương mại vào khoảng 0,03 mSv. Độ cao đóng vai trò quan trọng, nhưng nguồn bức xạ nền lớn nhất lại xuất phát từ khí radon trong nhà ở (khoảng 2 mSv mỗi năm) (*). Tương tự những nguồn bức xạ nền khác, phơi nhiễm radon thay đổi nhiều từ vùng này đến vùng khác của một nước.

    Giải thích một cách đơn giản, chúng ta có thể so sánh lượng nhiễm xạ khi chụp một phim X-quang ngực tương đương với lượng nhiễm xạ từ môi trường tự nhiên xung quanh trong 10 ngày. Một ví dụ khác: chụp CT-ngực tương đương với lượng nhiễm xạ "nền" tự nhiên trong 2 năm.
     
  • AN TOÀN TIA X

    Tia X an toàn nếu được sử dụng cẩn thận. Nhân viên X-quang được đào tạo để dùng lượng bức xạ tối thiểu nhằm đạt được kết quả cần thiết. Kiểm soát ghi hình đúng quy tắc làm giảm nguy cơ tới mức tối thiểu. Lượng bức xạ sử dụng trong hầu hết các khám nghiệm là rất nhỏ, lợi ích nhiều hơn hẳn so với nguy cơ tác hại.

    Tia X chỉ được phát ra trong lúc công tắc được bật lên và không còn bức xạ sau khi ngắt công tắc.
     
  • TIA X TRONG SUỐT CUỘC ĐỜI BẠN

    Quyết định chụp X-quang là một quyết định y hoc, có cân nhắc giữa lợi ích của khám nghiệm và nguy cơ của bức xạ. Các khám nghiệm liều thấp thường được quyết định dễ dàng. Với các khám nghiệm liều cao hơn, như chụp cắt lớp điện toán (CT scan) và cần đến chất tương phản như barium hay iodine, bác sĩ X-quang có thể cần cân nhắc tiền căn phơi nhiễm tia X của bạn. Nếu bạn thường xuyên chụp X-quang, bạn nên có một hồ sơ ghi chép cẩn thận để bác sĩ X-quang có được quyết định thích hợp. Một điều quan trọng nữa là bạn phải thông báo với bác sĩ rằng bạn đang có thai trước khi chụp X-quang vùng bụng-chậu.
     
  • TIA X VÀ THAI KỲ

    Trong chăm sóc y tế, biết được bệnh nhân đang hoặc có thể đang có thai là một thông tin quan trọng. Phần lớn tia X dùng trong y học không có mấy nguy cơ đối với thai, tuy nhiên vẫn có một khả năng nào đó gây bệnh nặng hay biến chứng khác. Nguy cơ thực sự tùy thuộc vào giai đoạn của thai kỳ và vào loại tia X. Chụp X-quang đầu, tay, chân và ngực thường không ảnh hưởng trực tiếp đến thai. Đa số xét nghiệm X-quang vùng bụng tiêu chuẩn không gây nguy hại cho thai.

    Khi bệnh nhân mang thai cần khám nghiệm vùng bụng-chậu, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm hay chụp cộng hưởng từ thay thế cho X-quang. Khi bắt buộc phải dùng đến X-quang, ví dụ như chụp CT vùng bụng-chậu với lượng bức xạ phát ra lớn hơn, người ta phải dùng đến các biện pháp đề phòng đặc biệt bảo vệ thai.

    Đối với các khám nghiệm phóng xạ hạt nhân, sử dụng bức xạ điện từ giống như tia X, cũng phải chú ý đến khả năng mang thai ở bệnh nhân nữ cũng như phải cẩn thận đối với phụ nữ đang cho con bú, cần nhớ là một vài dược phẩm được dùng trong khám nghiệm có thể qua sữa mẹ đi sang đứa bé.
  • NHIỄM XẠ TỪ CÁC THỦ THUẬT X-QUANG CAN THIỆP

    Trong các thủ thuật can thiệp dùng tia X, mức độ nguy cơ tùy thuộc vào liều lượng bức xạ sử dụng. Nhìn chung, nguy cơ ung thư do nhiễm xạ không là mối quan tâm lớn khi so sánh với lợi ích của thủ thuật.

    Siêu âm thỉnh thoảng được dùng trong các thủ thuật X-quang can thiệp. Siêu âm sử dụng bức xạ âm học và không cho thấy bất kỳ nguy cơ nào với những cường độ đang dùng hiện nay. Cộng hưởng từ được dùng với những thủ thuật can thiệp khác. Cần phải tầm soát cẩn thận trước khi nhận bệnh nhân vào phòng chụp để đảm bảo trước đây bệnh nhân chưa từng được làm những thủ thuật y học hay thẩm mỹ có thể làm cho thủ thuật chụp cộng hưởng từ trở nên nguy hiểm.
     
  • AN TOÀN TRONG CÁC THỦ THUẬT Y HỌC HẠT NHÂN

    Y học hạt nhân sử dụng những lượng hoạt chất phóng xạ nhỏ để chẩn đoán và điều trị bệnh, bao gồm nhiều loại ung thư, bệnh tim mạch và những bất thường khác trong cơ thể.

    Tùy loại khám nghiệm y học hạt nhân, hoạt chất phóng xạ hay chất đánh dấu phóng xạ có thể được tiêm vào tĩnh mạch, được nuốt, hay được hít vào dưới dạng khí. Chất đánh dấu phóng xạ sẽ tích tụ trong tạng hay vùng cơ thể được khảo sát, nơi mà nó phát ra năng lượng dưới dạng tia gamma, cung cấp các thông tin về cấu trúc và chức năng của các tạng, các mô trong cơ thể.

    Trong khám nghiệm y học hạt nhân, bệnh nhân nhiễm xạ từ chất đánh dấu phóng xạ và có thể từ phương pháp ghi hình. Tuy lượng nhiễm xạ chính xác có thể thay đổi tùy khổ người bệnh nhân và phần cơ thể được khảo sát, bác sĩ X-quang và y học hạt nhân sẽ sử dụng liều thấp nhất có thể để đạt hình ảnh có chất lượng cao nhất.

    Khám nghiệm hình ảnh hạt nhân có thể được thực hiện an toàn trên trẻ em và phụ nữ mang thai. Muốn vậy phải đánh giá cẩn thận để đảm bảo dùng liều thích hợp, tối ưu; bệnh nhân nữ phải báo cho bác sĩ hay kỹ thuật viên biết về khả năng mang thai hoặc đang cho con bú.

    (*) Radon là khí phóng xạ chủ yếu sinh ra từ sự phân rã uranium của vỏ trái đất (đất cát, các tầng đá, nước), rò rỉ vào các nơi kín ngột ngạt. Khí radon nặng hơn không khí nên tích lũy với nồng độ cao tại những nơi thấp, kém thông thoáng. Radon là nguyên nhân quan trọng đứng hàng thứ hai (sau hút thuốc) của ung thư phổi.
ThS BS Võ Tấn Đức

Các tin đã đăng