Có đúng vắc xin ngừa viêm phổi, phế cầu cũng ngừa được COVID-19?

30/03/2022 13:44:00

Ngoài vắc xin ngừa COVID-19, nhiều người cho rằng tiêm các loại vắc xin liên quan đến hô hấp như viêm phổi, phế cầu, ho gà… cũng ngừa được dịch bệnh.
Những ngày qua, số lượng người bệnh COVID-19 đang có xu hướng giảm, đa phần F0 mới phát hiện đều có các triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, người dân, đặc biệt là phụ huynh có con nhỏ chưa được tiêm vắc xin COVID-19, người độ tuổi đi làm đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin… vẫn tiếp tục đi tiêm vắc xin ngừa các bệnh liên quan về đường hô hấp.
Đáng lo lắng, người đăng ký tiêm ngừa cho rằng các vắc xin này có thể ngừa COVID-19. Sau khi đi tiêm về, lại giới thiệu cho người thân quen, điều này làm cho nhu cầu về tiêm ngừa tăng cao.
Về vấn đề này, ThS BS. Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) - đã có lý giải cặn kẽ.

Gần đây, nhiều người truyền tai nhau đi tiêm ngừa vắc xin viêm phổi, ho gà, vắc xin ngừa cúm mùa… quan điểm của bác sĩ về vấn đề này như thế nào?
Theo ghi nhận tại Đơn vị Tiêm chủng BV ĐHYD TPHCM, đúng là có sự gia tăng nhu cầu của người dân về các loại vắc xin ngừa cúm, vắc xin phế cầu, vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván… Không chỉ riêng đơn vị tiêm chủng của bệnh viện, ở các trung tâm tiêm chủng dịch vụ, nhu cầu về các loại vắc xin này cũng tăng nhanh.
Có nhiều vắc xin mà người trưởng thành cần tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch bảo vệ bền vững. Ví dụ như vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván, khi trưởng thành chúng ta cần tiêm nhắc mỗi 10 năm một lần, vắc xin cúm tiêm mỗi năm 1 lần.
Một số bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, dịch tiết đã có vắc xin như thuỷ đậu, sởi, quai bị, rubella hay phế cầu, viêm màng não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản... lưu hành tại Việt Nam chưa lâu nên có thể người ở tuổi trưởng thành chưa được tiêm ngừa. Nếu như người này có nhu cầu tiêm, nên được sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ trước khi tiêm ngừa.

Bệnh viện sẽ tiêm ngừa các loại vắc xin này cho người bệnh như thế nào?
Khi người bệnh có những bệnh lý mãn tính, người bệnh lớn tuổi hoặc người bệnh đang điều trị bệnh mà có khả năng ảnh hưởng suy giảm miễn dịch, tùy từng trường hợp chúng tôi đều tư vấn tiêm thêm vắc xin phòng bệnh lý viêm phổi do vi khuẩn phế cầu, vắc xin cúm, vắc xin ho gà, bên cạnh lịch tiêm vắc xin COVID-19.
Mỗi ngày trung bình có khoảng 80-100 người bệnh được chỉ định tiêm kết hợp hoặc chỉ tiêm 1 trong 2 loại vắc xin phế cầu, vắc xin cúm. Nhu cầu về 2 loại vắc xin này tăng cao hơn so với trước đại dịch rất nhiều, nổi trội là trẻ em. Tuy nhiên do tình hình khan hiếm vắc xin nên hiện nay những chỉ định này chưa được chúng tôi tư vấn mở rộng ở nhóm người trưởng thành và trẻ khoẻ mạnh.

Đa phần người đi tiêm ngừa không chỉ có quan niệm phòng ngừa bệnh theo tác dụng thực tế của các loại vắc xin trên, mà cho rằng những vắc xin này có thể ngừa bệnh COVID-19, bác sĩ nghĩ sao về vấn đề này?
Các loại vắc xin này giúp duy trì độ bao phủ của vắc xin, miễn dịch cộng đồng và nguy cơ dịch trong thời điểm hiện nay. Đúng là đã có trường hợp người dân đến tiêm vắc xin với suy nghĩ vắc xin bổ phổi, vắc xin hỗ trợ phổi... thì sẽ chống lại được virus và không bị COVID-19, điều này hoàn toàn sai và rất nguy hiểm nếu hiểu lầm và từ chối tiêm ngừa vắc xin COVID-19.

Như vậy, hiểu đúng về tác dụng và tiêm ngừa hiệu quả, đỡ tốn kém?
Thật vậy, nhiều người vô đăng ký tiêm chủng, chưa nhận định đúng về nguy cơ của mình, chỉ nói nhân viên y tế cho họ đăng ký loại vắc xin mắc nhất vì nghĩ càng mắc càng ngừa được nhiều bệnh. Hay chỉ có vắc xin trả phí mới hiệu quả trong ngừa bệnh, nhất là COVID-19.
Chúng tôi cũng đã giải thích trực tiếp cho nhiều người về sự khác biệt của từng loại vắc xin để cân nhắc lựa chọn vắc xin phù hợp theo độ tuổi, đặc thù công việc cũng như môi trường sống…
Cụ thể, “vắc xin phòng bệnh phổi” cần được hiểu đúng là vắc xin chống lại những tác nhân khác nhau gây tổn thương phổi, thường gặp nhất là bệnh lý viêm phổi. Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi trong cộng đồng. Trong đó, tác nhân vi khuẩn phổ biến là Streptococcus pneumoniae còn được gọi là vi khuẩn phế cầu, virus cúm mùa, hay các loại virus hợp bào đường hô hấp (RSV). Tiêm vắc xin nào sẽ phòng ngừa các vấn đề từ tác nhân đó.
Hiện nay chúng ta lại thấy virus SARS-CoV-2, nấm hoặc hoá chất cũng nguyên nhân gây viêm phổi. Thông thường bệnh lý viêm phổi cộng đồng tiên lượng tốt với những người bệnh trẻ tuổi hoặc khỏe mạnh, nhưng nhiều trường hợp viêm phổi có thể nghiêm trọng hoặc thậm chí gây tử vong ở người bệnh lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu. Lúc này, vắc xin ngừa COVID-19 mới có thể phát huy hiệu quả cao trong phòng, chống dịch.
Người bệnh nhầm lẫn vì vi khuẩn phế cầu, virus cúm, vi khuẩn ho gà đều là những tác nhân lây truyền qua đường hô hấp giống như virus SARS-CoV-2; chúng có những triệu chứng tương tự nhau như sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, ho... Vì vậy, người dân nên bình tĩnh, chỉ tiêm ngừa vắc xin đúng với nhu cầu của mình và người thân. Từ đó mới tạo được sự bao phủ và miễn dịch cộng đồng.

Báo Phụ nữ TPHCM

Các tin đã đăng