Hướng dẫn quản lý thai phụ phơi nhiễm với virus gây bệnh đậu mùa khỉ

02/08/2022 10:44:00

Trước tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng ở những quốc gia không lưu hành virus gây bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 21/05/2022, WHO đã báo cáo đợt bùng phát khẩn cấp toàn cầu của căn bệnh này trong bối cảnh mở cửa biên giới trở lại sau thời kì COVID-19.

Virus gây bệnh đậu mùa khỉ (mokeypox virus) thuộc dòng orthopoxvirus của họ Poxviridae. Chúng lây từ động vật sang người (viral zoonosis). Có 2 nhóm virus đã được ghi nhận: nhóm Tây Phi và nhóm Trung Phi. Nhóm Tây Phi gây bệnh nhẹ hơn nhóm Trung Phi, với tử suất là 3.6% so với 10.6%. Chúng lây nhiễm qua tiếp xúc gần với sang thương, dịch cơ thể, khí dung của người nhiễm bệnh và vật dụng bị phơi nhiễm. Thời kì ủ bệnh thường kéo dài từ 6-13 ngày, nhưng cũng có thể lên đến 21 ngày. Triệu chứng của nhiễm bệnh đậu mùa khỉ rất giống với những người bệnh mắc bệnh đậu mùa (smallpox) nhưng với mức độ nhẹ hơn và thường tự giới hạn. Trẻ em, thai phụ và người suy giảm miễn dịch có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong.

Thai phụ có nguy cơ lây nhiễm cao khi tiếp xúc với người có triệu chứng. Người nhiễm bệnh đậu mùa khỉ và bệnh đậu mùa trong thai kì làm tăng bệnh suất và tử suất của mẹ, cũng như nguy cơ sẩy thai và dị tật bào thai nặng[1]. Trong 4 phụ nữ nhiễm virus đậu mùa khỉ ở Cộng hòa dân chủ Congo (có lẽ với nhóm virus ở Trung Phi) từ năm 2007 đến 2011, có 2 trường hợp sẩy thai sớm tự nhiên, 1 trường hợp sẩy thai ở tam cá nguyệt II ở tuổi thai 18 tuần[2]. Trường hợp thai chết trong tử cung do bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận có phát ban da toàn thân và DNA virus đậu mùa khỉ được tìm thấy ở mô thai, dây rốn và bánh nhau. Điều này chứng tỏ khả năng lây truyền dọc mẹ con của virus đậu mùa khỉ. Giải trình tự gene cho thấy nhóm virus Tây Phi là nguyên nhân của đợt bùng phát lần này, mặc dù nó có liên quan với khả năng gây bệnh nhẹ hơn và tỉ lệ tử vong thấp hơn ở người không mang thai, tuy vậy ảnh hưởng của nhóm virus này lên người đang mang thai vẫn chưa hiểu rõ.

Hình minh họa: iStock

Gần đây, tác giả Pradip và cộng sự cho ra lưu đồ quản lí cho thai phụ nghi ngờ phơi nhiễm với virus đậu mùa khỉ[3]. Ngay khi không có yếu tố dịch tễ rõ ràng, nhân viên y tế cũng cần cảnh giác với những thai phụ có nổi hạch và phát ban mụn nước, bao gồm cả phát ban khu trú ở cơ quan sinh dục hoặc quanh hậu môn. Thêm vào đó, tác giả khuyến cáo nên phân biệt sang thương đậu mùa khỉ với thủy đậu, HSV và giang mai vì chúng có thể giống nhau trong thai kì. Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm PCR virus đậu mùa khỉ từ sang thương mụn nước nghi ngờ.

Khi đã xác định thai phụ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, siêu âm hình thái thai chi tiết được chỉ định để đánh giá nguy cơ cũng như mức độ nặng của nhiễm trùng bào thai. Bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ đáng lo ngại cho thai, vì vậy, thai phụ phơi nhiễm đáng kể với virus đậu mùa khỉ cũng nên được xét nghiệm PCR từ dịch hầu họng để xác định tình trạng nhiễm. Độ nhạy của PCR virus đậu mùa khỉ trong nước ối vẫn chưa được hiểu rõ. Tương tự với CMV, Toxoplasma và virus Zika, virus đậu mùa khỉ chỉ được phát tán vào nước ối khi thận thai nhi bài tiết đủ nước tiểu (sau 18-21 tuần tuổi thai). Khi sanh, tác giả khuyến cáo đánh giá tải lượng virus trong máu cuống rốn và bánh nhau và bệnh phẩm từ trẻ sơ sinh bằng xét nghiệm real-time PCR.

Tecovirimat và globulin miễn dịch ở người (Vaccinia Immune Globulin – VIG) có thể cân nhắc điều trị cho thai phụ mắc bệnh đậu mùa khỉ nặng. Tecovirimat ức chế protein vỏ ngoài VP37 của Orthopoxvirus. Cơ quan dược phẩm châu Âu (The European Medicines Agency) phê duyệt Tecovirimat cho điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Tại Mỹ, Tecovirimat có thể được sử dụng điều trị theo kinh nghiệm cho non-variola orthopoxvirus, bao gồm bệnh đậu mùa khỉ theo quy trình tiếp cận mở rộng về Đánh giá thuốc mới (Investigational New Drug). Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kì (FDA) xác nhận Tecovirimat không gây độc cho phôi thai và không gây dị tật thai khi nghiên cứu trên động vật. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kì (CDC) cấp phép khẩn cấp sử dụng vaccine đậu mùa sống ACAM2000 cho thai phụ có phơi nhiễm nguy cơ cao với virus đậu mùa khỉ. Vaccine này có khả năng bảo vệ chéo với bệnh đậu mùa khỉ lên đến 85%[4].

Tuy nhiên, thai phụ phải được tư vấn và kí đồng thuận về những nguy cơ hiếm gặp của vaccine ACAM2000 cho thai nhi bao gồm: sanh non, thai lưu, tử vong sơ sinh, và nguy cơ phản vệ nặng ở mẹ. Gần đây, MVA-BN là vaccine đậu mùa thế hệ thứ 3 được phê duyệt ở Mỹ, Canada và châu Âu, có thể an toàn hơn vì chứa virus bất hoạt và được chứng minh không ảnh hưởng kết cục bất lợi của thai kì. Cidofovir được cân nhắc ở thai phụ rất nặng vì có nguy cơ gây dị tật thai. Cuối cùng, tác giả khuyến khích báo cáo tất cả các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong thai kì cho WHO và cơ quan đăng ký quốc tế về các mầm bệnh đang bùng lên[5]. Những hướng dẫn này vẫn còn trong quá trình cập nhật.

Lưu đồ quản lý thai phụ nghi ngờ phơi nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ:




Tài liệu tham khảo: 
 
  1. Nishiura H. Smallpox during pregnancy and maternal outcomes. Emerging Infectious Diseases. 2006;12(7):1119.
  1. Mbala PK, Huggins JW, Riu-Rovira T, et al. Maternal and fetal outcomes among pregnant women with human monkeypox infection in the Democratic Republic of Congo. The Journal of infectious diseases. 2017;216(7):824-8.
  1. Dashraath P, Nielsen-Saines K, Mattar C, et al. Guidelines for pregnant individuals with monkeypox virus exposure. The Lancet. 2022;400(10345):21-2.
  1. REPRESENTATIVES L. Vaccinia (Smallpox) Vaccine Recommendations of the Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP), 2001.
  1. Agency UHS. Recommendations for the use of pre and post exposure vaccination during a monkeypox incident. 2022.


Theo ThS BS. La Văn Minh Tiến – Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM biên dịch từ Guidelines for pregnant individuals with monkeypox virus exposure. Dashraath, P., et al., The Lancet, 2022. 400(10345): p. 21-22.
 

Các tin đã đăng