Cấp cứu đột quỵ: Sự sống tính trong từng phút giây

30/12/2020 09:59:00


Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, dù là đang làm việc gắng sức hay nghỉ ngơi. Người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt để bảo đảm “thời gian vàng”, nhằm giảm thiểu những nguy hiểm cận kề có thể xảy ra.




Hậu quả của đột quỵ


- Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới, với con số khoảng 6,5 triệu người tử vong mỗi năm, tức trung bình mỗi 6 giây có một ca tử vong do đột quỵ. Đột quỵ còn là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới, có hơn 17 triệu ca bệnh mỗi năm. Trung bình cứ 6 người có 1 người bị đột quỵ nếu như không có biện pháp phòng tránh kịp thời.

- Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, có tỷ lệ từ 10-20%, cao hơn nhiều lần so với một số nguyên nhân tử vong phổ biến khác. Trong các trường hợp người bệnh sống sót sau đột quỵ thì khả năng tàn phế, lệ thuộc cao. 10-13% người bệnh tàn phế, nằm liệt giường; 12% hồi phục một phần; 25% người bệnh có thể độc lập đi lại.

- Đột quỵ gây nhiều hậu quả nặng nề về chi phí điều trị. Sau đột quỵ, người bệnh thường khó hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường, gây nhiều ảnh hưởng về kinh tế, chi phí thuốc, điều trị, hồi phục… Với người nhà người bệnh, đột quỵ tạo gánh nặng kinh tế trực tiếp, thông qua việc mất sức lao động. Ảnh hưởng kinh tế gián tiếp thông qua việc chăm sóc, điều trị cũng như những áp lực về mặt tinh thần.

Cấp cứu đột quỵ như thế nào?

Khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách:

- Đỡ người bệnh để không bị té ngã gây chấn thương.
- Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói. Móc hết đàm, nhớt để người bệnh dễ thở.
- Gọi xe đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
- Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
- Đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt, để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sặc, bị chèn ép.


TS BS. Nguyễn Bá Thắng khám cho người bệnh sau đột quỵ

Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc phải đột quỵ:


- Người lớn tuổi: Trên 50 tuổi có nguy cơ tăng cao.
- Giới: Tỷ lệ xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
- Tăng huyết áp. Đái tháo đường (tiểu đường). Xơ vữa động mạch, tăng mỡ (cholesterol) trong máu, nhất là loại LDL. Bệnh tim. Hút thuốc lá, nghiện rượu. Béo phì, ít vận động...
- Người có tiền sử đột quỵ.

Theo TS BS. Nguyễn Bá Thắng - Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống

 

Các tin đã đăng