Nhiều người bệnh tổn thương mắt sau dịch COVID-19
24/03/2022 09:34:00
Theo bác sĩ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những bệnh lý nguy hiểm, thậm chí có thể gây mất thị lực vĩnh viễn.
LO ẢNH HƯỞNG THỊ LỰC
Chị C.H. (35 tuổi, Gò Vấp) cho biết khi mắc COVID-19 chị thường xuyên có hiện tượng đỏ mắt khi sốt. Tuy nhiên, sau khi có kết quả âm tính 1 tuần, hiện tượng mắt đỏ cũng không hết, ngoài ra còn có cả triệu chứng đau nhức mắt, thậm chí nhìn mờ, đặc biệt là khi lái xe. Chị H. lo lắng việc đỏ mắt sẽ ảnh hưởng đến thị lực.
Nhiều người bệnh mắc COVID-19 cho biết gặp phải các triệu chứng về mắt như đỏ mắt, chảy nước mắt... trong đó thường gặp nhất là viêm kết giác mạc.
Không chỉ những người bệnh mắc COVID-19, mới đây Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp người bệnh đến khám mắt sau dịch COVID-19, chủ yếu là bệnh khô mắt và rối loạn điều tiết.
Cụ thể, người bệnh nữ N.T. (25 tuổi, TP.HCM), đa số thời gian làm việc văn phòng tại nhà, sử dụng máy vi tính trên 8 giờ/ ngày, sau khi thấy mình có các triệu chứng như thường xuyên mỏi và nhức mắt, chị N.T. liền đến bệnh viện thăm khám.
Các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị viêm giác mạc chấm nông, khô mắt, rối loạn điều tiết. Người bệnh được điều tiết bằng nước mắt nhân tạo, hướng dẫn vệ sinh thị giác.
Tương tự, một bệnh nhi là bé H.L. (7 tuổi) cũng đến bệnh viện thăm khám vì thường xuyên than nhức đầu, đồng thời khi xem tivi hay nheo mắt. Trước đó, gia đình đã đưa bé L. khám và chụp cộng hưởng từ MRI nhưng không tìm ra bệnh.
Qua khai thác bệnh sử cho thấy bé nghỉ học dài ngày ở nhà do dịch, thường xuyên sử dụng điện thoại để chơi game. Tuy các bác sĩ không tìm thấy tổn thương, nhưng đo khúc xạ phát hiện cận 2 độ. Bệnh nhi được điều trị bằng cách hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện tử, trừ việc học, đo độ khúc xạ sau mỗi 3 tháng.
THẾ GIỚI ĐÃ CÓ NGHIÊN CỨU
Bác sĩ CKII. Nguyễn Thành Luân - Khoa mắt Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết tại Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu ảnh hưởng COVID-19 lên mắt người, nhưng thế giới đã có. Một nghiên cứu phân tích gộp của tác giả Naser Nasiri (Viện Nghiên cứu tương lai về sức khỏe) và cộng sự năm 2021, dựa trên 38 nghiên cứu trước đó, với tổng số người bệnh COVID-19 là 8.219 (phần lớn là nữ giới từ 7 - 65 tuổi). Kết quả cho thấy tỉ lệ số người bệnh COVID-19 có biểu hiện ở mắt là 11,3%, điều này có nghĩa cứ 10 người bệnh COVID-19 thì sẽ có 1 người có vấn đề về mắt.
Các bệnh lý mắt cụ thể là: khô mắt/cộm xốn (16%), đỏ mắt (13,3%), chảy nước mắt sống (12,8%), nhiều nhất là viêm kết mạc cấp (88,8%).
Ở người bệnh hậu COVID-19 cho thấy chủ yếu là các bệnh lý mắt có liên quan rối loạn đông máu, rối loạn thần kinh. Đỏ mắt là một biểu hiện thường gặp ở bệnh nhân hậu COVID-19, trong đó 89% là viêm kết mạc.
Tuy nhiên, người bệnh phải được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, vì còn nhiều bệnh lý mắt khác nguy hiểm hơn cũng có cùng biểu hiện đỏ mắt, ví dụ như viêm màng bồ đào, viêm thượng củng mạc, viêm củng mạc, viêm tổ chức hốc mắt... nếu không điều trị kịp thời có thể sẽ mất thị lực vĩnh viễn.
Một số nghiên cứu cho thấy nhiễm COVID-19 có thể làm biến đổi tình trạng các vi mạch võng mạc theo chiều hướng xấu đi. Nếu người bệnh COVID-19 hoặc hậu COVID-19 có biểu hiện mờ mắt, phải đi khám ngay vì bệnh vi mạch võng mạc rất khó điều trị.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Các tin đã đăng
- Quản lý cân nặng ở người bệnh đái tháo đường và rối loạn mỡ máu(24/03/2022)
- Tại sao đã khỏi Covid-19 vẫn còn ho kéo dài?(24/03/2022)
- Cẩn thận bệnh viêm tai giữa sau khi mắc COVID-19(24/03/2022)
- Có khi nào F0 không triệu chứng rồi hết bệnh mà không biết?(24/03/2022)
- Con nhiễm COVID-19 xong thì học bài không được bác sĩ ơi!(24/03/2022)
- Luyện tâm, luyện thể giữ cân bằng giữa đại dịch(18/06/2021)