Sai lầm phổ biến đang tàn phá hệ tiêu hóa

18/01/2023 14:01:00

Hàng ngày, chúng ta đang vô tình tán phá hệ tiêu hóa bởi các thói quen phổ biến như ăn uống không đúng giờ, tiêu thụ nhiều đồ chua cay.

TS BS. Phạm Công Khánh - Phó trưởng khoa Nội soi Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết hàng ngày, nhiều người bệnh còn rất trẻ đến khám vì các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm dạ dày, hội chứng ruột kích thích.



Điển hình là trường hợp của anh N.V.T (31 tuổi, ngụ tại TP.HCM), mỗi lần uống trà, cà phê hoặc thức ăn lạ vào buổi sáng, anh thường bị đau bụng và cần đi đại tiện ngay. Bác sĩ Khánh cho biết nội soi toàn bộ đại trực tràng của bệnh nhân không có biểu hiện u hay polyp. Với những dấu hiệu này, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích.

Theo bác sĩ Khánh, ống tiêu hóa bắt đầu từ miệng đến thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và cuối cùng là hậu môn. Ngoài ra, tuyến tuỵ, gan và túi mật cũng góp phần quan trọng vào hệ tiêu hóa.

Hàng ngày, chúng ta đang vô tình tán phá hệ tiêu hóa bởi các thói quen nhiều người mắc phải. Ví dụ, ăn uống không đúng giờ, tiêu thụ nhiều đồ chua cay, sử dụng thường xuyên thức ăn có nhiều chất béo, ít chất xơ.

Bác sĩ Khánh cho biết một số bạn trẻ thường ăn tạm bánh ngọt vào buổi sáng hay ăn sáng muộn là những thói quen không tốt. Bởi axit trong dạ dày tiết ra nhiều dễ dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Thức ăn quá nhiều đường, chế biến sẵn còn có thể làm cho tuyến tuỵ bị kích thích và tiết insulin nhiều hơn, dễ dẫn đến tình trạng đề kháng insulin và làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2.

Sử dụng trà, cà phê vào buổi sáng có thể giúp bạn tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, đây là thức uống có chất kích thích nên bạn cần thận trọng khi dùng. Người bị chứng viêm loét dạ dày tá tràng hay hội chứng ruột kích thích không nên sử dụng vì dễ làm bệnh khởi phát và tăng nặng.

Bên cạnh đó, thói quen ngồi nhiều, ít vận động có thể mắc bệnh trĩ và làm cho hệ tiêu hóa hoạt động kém. Sử dụng thuốc không đúng chỉ định, tự điều trị bằng thuốc kháng sinh cũng dễ gây nên tình trạng loạn khuẩn đường ruột, thậm chí là viêm đại tràng giả mạc.

Bác sĩ Khánh cho biết hệ tiêu hóa ảnh hưởng trực tiếp tới hệ miễn dịch và hệ thần kinh. Hàng ngày, chăm sóc hệ tiêu hóa là cách tốt nhất bảo vệ hệ miễn dịch của chúng ta.

Các thói quen giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh:

- Uống nhiều nước: Chiếm 70% khối lượng cơ thể, nước đóng vai trò rất quan trọng đối với nhiều hoạt động của cơ thể (ổn định thân nhiệt, bài tiết chất thải, hỗ trợ hệ tiêu hóa,…). Trung bình một ngày, bạn nên uống 2 lít nước. Người vận động nhiều, môi trường lao động nóng cần uống nhiều nước hơn. Bác sĩ Khánh cho biết bạn cần duy trì thói quen uống một ly nước ấm vào buổi sáng. Điều đó giúp hạn chế thay đổi thân nhiệt trong cơ thể, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

- Không bỏ bữa ăn sáng bởi đây là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Khi ăn, bạn nên cân bằng giữa các nhóm chất như bột đường, chất béo, chất đạm và vitamin. Hạn chế thức ăn có độ mặn, chứa nhiều chất béo bão hòa, nhiều đường. Bạn nên tăng cường thức ăn nhiều chất xơ, vitamin để đảm bảo cho hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng. Thói quen ăn này cũng giúp hạn chế các bệnh lý tiêu hóa trong tương lai.

Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu như đau bụng vùng trên rốn, buồn nôn, đầy bụng khó tiêu, mệt mỏi, thay đổi thói quen đại tiện (tăng số lần đi, tính chất phân thay đổi, táo bón hoặc tiêu lỏng), đau bụng vào buổi sáng, đau bụng ngay sau ăn, bạn nên tới các cơ sở y tế để kiểm tra. Theo bác sĩ Khánh, đây là dấu hiệu cảnh báo hệ tiêu hóa của bạn đang gặp vấn đề.

Các tin đã đăng