Phương pháp mới điều trị loạn trương lực, co cứng cơ

07/02/2023 14:54:00

PHƯƠNG PHÁP MỚI ĐIỀU TRỊ LOẠN TRƯƠNG LỰC, CO CỨNG CƠ
🍀🍀🍀

Mỗi năm, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM điều trị cho vài ngàn trường hợp bị loạn trương lực, co cứng cơ. Chỉ 20% người bệnh được điều trị bằng phương pháp truyền thống đạt được hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, với phương pháp mới, hiệu quả điều trị lên tới 80%.

⚠️ Hiện nay có những phương pháp nào điều trị bệnh loạn trương lực, co cứng cơ? Trong đó, phương pháp nào hiệu quả nhất?

TS BS. Trần Ngọc Tài - Phó trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, trước đây, người ta chỉ áp dụng 2 phương pháp là uống thuốc và tập vật lý trị liệu để đối phó với tình trạng loạn trương lực, co cứng cơ. Tuy nhiên, các thống kê cho thấy 2 phương pháp này chỉ cho hiệu quả trên 20% người bệnh được điều trị. Sau này, có thêm phương pháp mới là tiêm Botulinum toxin (được sản xuất tự nhiên bởi vi khuẩn Clostridium botulinum).

Tuy đây là độc tố gây ngộ độc thực phẩm nhưng các nhà khoa học đã biến đổi nó thành thuốc, an toàn để điều trị bệnh nếu tiêm liều thích hợp. Cơ chế hoạt động của Botulinum toxin là ngăn chặn sự kết nối giữa thần kinh và cơ hoặc giữa thần kinh và tuyến làm cho cơ yếu đi hoặc khiến cho tuyến giảm tiết mồ hôi, nước bọt.

Hiện nay, Botulinum toxin được ứng dụng để điều trị các bệnh như loạn trương lực, co cứng cơ, co thắt nửa mặt, tăng tiết mồ hôi và nước bọt. Thuốc được tiêm vào cơ hoặc tuyến theo chỉ định của bác sĩ và phát huy hiệu quả sau 2-7 ngày tiêm. Hiệu quả cao nhất sẽ đạt được sau 2 tuần kể từ khi tiêm thuốc. Bởi Botulinum toxin chỉ có hiệu quả tạm thời nên người bệnh phải tiêm lặp lại sau vài tháng (tùy từng trường hợp) để hiệu quả điều trị được tiếp tục duy trì. Khi tiêm Botulinum toxin, người bệnh không được tiêm nhắc lại nếu các mũi cách nhau chưa đủ 3 tháng.

Ngoài ra, thuốc cũng có một số tác dụng phụ như gây chảy máu, bầm tại vị trí tiêm, yếu cơ gần chỗ tiêm nhưng gây ảnh hưởng sức khỏe không đáng kể.

Điều may mắn là kỹ thuật tiêm Botulinum toxin được bảo hiểm y tế chi trả theo quy định nên người bệnh đỡ được gánh nặng về kinh tế, giúp phương pháp trên có thể tiếp cận được nhiều người.

Khi tiêm Botulinum toxin, người bệnh cần lưu ý gì?

- Tiêm không đúng kỹ thuật và liều lượng phù hợp sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm khiến người bệnh có nguy cơ đối diện với các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, khi quyết định tiêm Botulinum toxin để điều trị tình trạng loạn trương lực, co cứng cơ, mọi người hãy tìm hiểu kỹ, lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Hiện nay, có những cách tiêm Botulinum toxin như sau: dựa vào các mốc giải phẫu, tiêm dưới sự hướng dẫn của máy điện cơ, dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Tùy tình trạng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng và cách tiêm thích hợp.

Nói chung, khi thấy mình hoặc người thân có tư thế bất thường, co thắt cơ thường xuyên (ngoài kiểm soát), các cử động cứ vô thức lặp đi lặp lại, hãy nghĩ tới bệnh loạn trương lực, co cứng cơ. Ngoài ra, các triệu chứng của người bị loạn trương lực, co cứng cơ có xu hướng nặng hơn lúc lo âu, căng thẳng. Nhiều trường hợp trầm trọng tới mức không thể tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cá nhân, cài nút áo...

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ dựa vào nhiều yếu tố. Trước tiên là bệnh sử, yếu tố gia đình. Tiếp đến, bệnh nhân sẽ được khám tổng quát, khám chuyên khoa thần kinh. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cho làm thêm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như MRI não bộ (chụp cộng hưởng từ), điện cơ, điện não, xét nghiệm máu, thậm chí xét nghiệm gen...

Để được tư vấn điều trị các bệnh lý về rối loạn vận động, vui lòng đăng ký khám tại Phòng khám Parkinson và Rối loạn vận động Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - 215 Hồng Bàng, phường 11, quận 5.
- Đặt lịch khám bệnh trực tuyến tại hotline 1900 2115, https://umc.medpro.com.vn/ - Hoặc tải ứng dụng: UMC- Đăng ký khám bệnh Online (App Store, Google Play). Xem hướng dẫn đặt lịch khám và thanh toán online tại: https://youtu.be/dUfIuh4tba8.

Các tin đã đăng