Rủi ro khi phụ huynh bỏ tiêm mũi nhắc vắc xin cho con

24/02/2023 15:07:00


Bên cạnh chương trình tiêm chủng quốc gia thì còn rất nhiều loại vắc xin dịch vụ mà trẻ nên được tiêm ngừa. Tuy nhiên, không ít phụ huynh đã để trễ lịch hoặc bỏ qua mũi tiêm nhắc cho con.

Hiệu quả bảo vệ sẽ thấp

ThS BS Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng BV Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, số trẻ bị trễ lịch mũi nhắc vắc xin dịch vụ tại BV hiện nay khoảng 20 - 30%. Ngoài nguyên nhân do kinh tế suy thoái khiến thu nhập của phụ huynh sụt giảm thì bác sĩ Hiền Minh còn ghi nhận không ít cha mẹ cho rằng vì là vắc xin dịch vụ nên việc tiêm nhắc không quan trọng. Phụ huynh quan niệm những bệnh gì cần thiết phòng tránh đã nằm trong lịch tiêm chủng quốc gia rồi. Nhiều bà mẹ còn hiểu lầm về lợi ích của việc tiêm vắc xin, từ đó dẫn tới các hành động sai lệch.

Chị P.T.A. - 30 tuổi, ngụ quận Tân Bình - chia sẻ với bác sĩ rằng, sau khi con được 2 tuổi chị đã không cho con tiêm nhắc vắc xin phòng bệnh sởi nữa, bởi “bệnh này có thấy ai mắc mấy đâu mà phải phòng”. Thậm chí, đứa con đầu của chị A. tiêm vắc xin thủy đậu rồi nhưng thấy bé vẫn mắc bệnh thủy đậu. Chị A. liền quyết định không cho bé thứ hai tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu. Chị cho rằng “tiêm vắc xin rồi vẫn mắc bệnh thì tiêm làm gì”.

Bác sĩ Hiền Minh nhấn mạnh tại khoa nhiễm của nhiều BV nhi luôn ghi nhận các bé bị viêm não mô cầu. Dù vắc xin não mô cầu không nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia nhưng trẻ rất cần thiết được tiêm và tiêm đủ liều. Bệnh viêm não mô cầu diễn tiến rất nhanh trong vòng từ 24-48 giờ, nguy cơ tử vong cao, nếu hồi phục trẻ cũng phải gánh chịu các di chứng tổn thương thần kinh lâu dài.

Cần hiểu đúng về vắc xin

Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh lưu ý về việc không ít phụ huynh đang hiểu lầm về lợi ích của việc tiêm vắc xin. Sau khi tiêm vắc xin, trẻ vẫn có thể mắc bệnh nhưng sẽ nhẹ hơn và không bị biến chứng nguy hiểm. Đối với vắc xin cúm, tuy không ngừa được tất cả các chủng cúm nhưng lại có tác dụng bảo vệ chéo. Chính vì thế, dù trẻ sau khi tiêm vắc xin này mà vẫn nhiễm bệnh cúm thì cũng bị nhẹ và lướt qua rất nhanh. Việc có phụ huynh cho rằng “có thấy ai mắc bệnh sởi đâu nên không cần tiêm nhắc mũi vắc xin ngừa bệnh này” là không đúng. Chính vì còn quan niệm sai lầm như thế nên dịch sởi ở trẻ tới nay vẫn chưa hết hẳn mà cứ bùng lên theo chu kỳ 4 năm/lần.

Có nên tiêm “trộn” vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung?

Nhiều phụ huynh lo lắng khi loại vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung đang chích dở cho con lại “đứt hàng”. Cụ thể, chị T.K.T. (42 tuổi) cho biết, con gái 12 tuổi của mình đã tiêm mũi 1 vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung loại ngừa 2 chủng vi rút HPV. Tuy nhiên, tới thời điểm tiêm mũi nhắc thứ hai thì loại vắc xin này hết hàng. Chị đã chờ quá lịch tiêm gần 2 tháng. Nhân viên y tế khuyên chị nên cho con tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung loại khác thay thế nhưng chị T. không an tâm. Chi phí tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung khoảng 2 triệu đồng/mũi nên chị T. chưa biết xử trí thế nào, sợ rằng tiêm “trộn” vắc xin sẽ không tốt.

Tương tự, chị P.T.Q. (45 tuổi) đưa con đi tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung thì được nhân viên y tế khuyên nên tiêm loại mới ra (ngừa 9 chủng HPV), bởi loại cũ (ngừa 4 chủng HPV) thời gian tới cũng sẽ khan hiếm. Thấy tình hình này, nhiều phụ huynh khác cũng trì hoãn, cho rằng chỉ cần tiêm trước lúc con vào đại học (có quan hệ yêu đương) là được.

Bác sĩ Hiền Minh cũng cho biết, loại vắc xin ngừa 4 chủng sắp tới sẽ được thay thế bằng loại ngừa 9 chủng HPV mới ra. Do đó, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, loại vắc xin ngừa 4 chủng HPV chỉ ưu tiên cho các mũi tiêm nhắc. Đối với các mũi tiêm đầu tiên thì sẽ được tư vấn tiêm loại vắc xin mới. Tuy vậy, bác sĩ Hiền Minh cho biết với những trường hợp đã tiêm mũi 1 là vắc xin ngừa 2 chủng HPV thì vẫn tiêm nhắc bằng loại ngừa 9 chủng được. Việc phụ huynh trì hoãn quá lâu sẽ khiến hiệu quả bảo vệ của vắc xin không đảm bảo. Nếu không muốn tiêm “trộn”, phụ huynh có thể cho bé tiêm lại từ đầu với loại vắc xin mới.

Báo Phụ nữ: https://www.phunuonline.com.vn/rui-ro-khi-phu-huynh-bo-tiem…

Giờ tiêm chủng tại Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM:

- Thứ Hai - Thứ Bảy: 6h30 đến 16h30
- Chủ Nhật: 7h – 11h30

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: (028) 3952 5144 (trong giờ hành chính)

Các tin đã đăng