Trò chuyện cùng PGS TS BS. Lê Minh Khôi nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Chú trọng đào tạo thực hành để trở thành bác sĩ thực thụ

03/03/2021 21:14:00

Ngành Y là một trong những ngành nghề thiêng liêng và quan trọng, giúp cứu sống sinh mạng và hồi phục sức khỏe cho toàn xã hội. Là ngành đặc biệt với kiến thức thay đổi từng ngày, từ phương pháp điều trị, các kỹ thuật mới, các thể loại bệnh lý mới đến yếu tố cơ sở vật chất như công nghệ, thiết bị và phòng thí nghiệm…, đòi hỏi người bác sĩ phải giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm thực hành và thường xuyên đào tạo để điều trị tốt nhất cho người bệnh. Để có được những nhân tố ấy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các sinh viên y khoa phải được đào tạo một cách khoa học, bài bản. Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúng ta hãy cùng trò chuyện với PGS TS BS. Lê Minh Khôi – Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) về việc giảng dạy thực hành, đào tạo – một trong những hoạt động nòng cốt của Bệnh viện nhé.

 


1. X
in chào PGS TS BS. Lê Minh Khôi. Với vai trò là Thầy thuốc – Thầy giáo, PGS chia sẻ thêm tầm quan trọng của việc đào tạo thực hành cho các sinh viên y khoa?

Cha đẻ của ngành Lâm sàng – ông William Osler từng chia sẻ rằng đối với người học ngành y, nếu chỉ có kỹ năng mà không học lý thuyết sẽ giống như tiến ra đại dương mà không có bản đồ hay định hướng, còn nếu chỉ chuyên tâm tiếp thu lý thuyết thì sẽ tựa như cầm bản đồ nhưng không bao giờ ra biển. Bản thân chúng tôi trong quá trình học tập, làm việc cũng nhận rõ tầm quan trọng của việc “Lý thuyết đi đôi với thực hành”. Do vậy, so với các nơi khác, Đại học Y Dược TPHCM (ĐHYD TPHCM) luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội tiếp cận sớm về đào tạo thực hành.

Cụ thể, các em sinh viên năm nhất sẽ được tìm hiểu, tham quan bệnh viện; các em sinh viên năm hai bắt đầu thực tập và năm ba sẽ chính thức phối hợp lâm sàng với các bác sĩ chuyên khoa. Dù thời lượng được tiếp xúc thực tiễn với người bệnh rất nhiều, nhưng do có những bệnh lý không thể để sinh viên chủ động trực tiếp điều trị thay bác sĩ nên việc thực hành cũng chỉ là những bước vô cùng cơ bản. Chính bản thân tôi cũng đã nhiều lần chia sẻ với các bạn sinh viên rằng việc các bạn đi thực tập là học cho việc học; sau này khi ra trường, được chính thức vào bệnh viện thì các bạn mới thật sự là đang học để trở thành một người bác sĩ thực thụ. Đây chính là lí do vì sao việc đào tạo thực hành tại trường là cực kì quan trọng.

2. 
Thời gian trung bình để tốt nghiệp y khoa là 6 năm và để chuyên sâu trong mỗi chuyên khoa với lượng kiến thức khổng lồ là điều không dễ dàng. Được biết, ĐHYD TPHCM đã tạo điều kiện để các sinh viên bắt kịp sự tiến bộ của thế giới bằng việc phân chia lượng kiến thức theo từng khối, đồng thời cho người học được đào tạo lâm sàng giúp có những trải nghiệm trong môi trường bệnh viện. Xin PGS chia sẻ thêm về việc cải tiến chương trình học này không?

Các bạn sinh viên không chỉ nên học ở trường, học trong sách giáo khoa mà học ở tất cả mọi nơi. Ông William Osler cũng đã từng khẳng định “Hãy lắng nghe người bệnh”. Chính những người bệnh sẽ giúp bạn chẩn đoán được những gì bạn không thể cảm nhận. Việc học tập kinh nghiệm từ những bác sĩ giỏi với kinh nghiệm lâu năm trong nghề là cần thiết nhưng chưa thật sự đủ. Vì người thầy vĩ đại nhất của mọi bác sĩ là người bệnh. Cụ thể, với cùng một bệnh lý, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người bệnh như giới tính, độ tuổi,… sẽ cho người bác sĩ những trải nghiệm thực tiễn khác nhau, dẫn đến phương pháp điều trị khác nhau. Không có một căn bệnh cụ thể, mà chỉ có bệnh trên từng người bệnh cụ thể. Ngoài ra, đối với một sinh viên, việc có thể thực hành tại một bệnh viện đa dạng về chuyên khoa cũng sẽ là một lợi thế lớn.

3. 
Như vậy, việc sinh viên y khoa thực hành tại bệnh viện đa chuyên khoa như BV ĐHYD TPHCM sẽ có những lợi ích gì?

BV ĐHYD TPHCM thực hiện chính sách lấy người bệnh làm trung tâm, phát triển theo hướng điều trị đa mô thức, tập trung nguồn lực và tăng tính phối hợp bằng cách thành lập các trung tâm chuyên sâu như Trung tâm huấn luyện phẫu thuật nội soi, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm khoa học Thần kinh và hướng tới thành lập Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh. Mô hình này mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là đối với người bệnh mắc nhiều bệnh lý phức tạp. Vì vậy, học viên có thể quan sát, tận mắt chứng kiến cả quá trình điều trị, giúp mở mang thêm nhiều kiến thức y khoa cũng như kinh nghiệm trong hội chẩn, điều trị. Với lối tiếp cận đa chiều như vậy, người học sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ phương pháp cụ thể nào, mà phải chủ động và linh hoạt để giải quyết vấn đề sức khỏe của người bệnh. Lượng kiến thức mở này sẽ tương tác và bổ trợ nhau, tạo được nền tảng vững chắc cho người bác sĩ trong tương lai.

BV ĐHYD TPHCM là nơi quy tụ các thầy cô là những chuyên gia đầu ngành, các học viên sẽ được dẫn dắt, hướng dẫn tận tình, được học hỏi về kiến thức chuyên sâu, cũng như thấu hiểu hơn về đạo đức ngành Y. Bên cạnh đó, Bệnh viện tập trung đầu tư các trang thiết bị và công nghệ hiện đại nhất, thường xuyên cập nhật các phác đồ điều trị mới để bắt kịp với sự tiến bộ của thế giới. Do vậy, khi thực hành tại Bệnh viện, học viên sẽ được tiếp cận đa chiều về kiến thức, kinh nghiệm và hướng giải quyết linh động. Và việc tiếp xúc nhiều với các thầy cô cũng sẽ giúp học viên học thêm được cách giao tiếp và ứng xử với người bệnh, cũng như đồng nghiệp và ngoài xã hội.

4. 
Việc các sinh viên y khoa được học những phương pháp điều trị tốt nhất, mới nhất, được tiếp xúc với những công nghệ kỹ thuật mới nhất là điều tốt. Tuy nhiên, nếu sinh viên ra trường và không tiếp tục làm tại BV ĐHYD TPHCM thì sẽ phải áp dụng những kỹ thuật đó như thế nào?  

Đây cũng là tâm lý lo sợ chung của nhiều người. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang phát triển vô cùng tích cực về mặt kinh tế, công nghệ kỹ thuật số và đặc biệt là luôn tập trung đầu tư cho ngành Y tế. Phần lớn các cơ sở y tế lớn đều được trang bị và cập nhật những kiến thức mới nhất. Việc chia sẻ thông tin và chuyển giao công nghệ không còn gặp nhiều khó khăn. Những bác sĩ học kỹ thuật mới thì chắc chắn họ cũng sẽ thực hiện chúng trong tương lai gần nhất. Thậm chí có thể là đầu mối giúp phát triển và truyền đạt lại cho những vùng y tế chưa phát triển tại Việt Nam. Đối với ngành Y, việc khó khăn nhất là đào tạo con người, đào tạo nguồn nhân lực vững mạnh. Thực tế hiện nay đang có rất nhiều bệnh viện được trang bị các công nghệ hiện đại nhưng lại thiếu người có thể sử dụng được chúng. Ví dụ, thiết bị can thiệp tim mạch đã được phổ biến hơn hai năm nhưng vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.

Bên cạnh đó, để có thể học được cách áp dụng những phương pháp điều trị, người bác sĩ cũng đã phải thấu hiểu rõ bệnh lý và các triệu chứng liên quan. Việc này cũng sẽ giúp cho họ định hướng tốt hơn trong việc khám chữa bệnh cho những ca khó tương tự. Họ sẽ biết người bệnh cần gì và làm gì để có thể xử lý vấn đề sức khỏe một cách tối ưu nhất.

5. B
V ĐHYD TPHCM thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, các lớp học và nhận được nhiều kết quả tích cực. Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng số lượng người đăng ký tham dự trong năm 2020 tăng 26% so với năm 2019. Ngoài ra, Bệnh viện cũng thường xuyên chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh, giúp người bệnh được thụ hưởng y tế kỹ thuật cao ngay tại địa phương. PGS đánh giá như thế nào về hình thức đào tạo này?

Tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi có rất nhiều học viên đạt được những bước tiến vượt trội. Một ví dụ cụ thể, các bác sĩ tại Bệnh viện Ninh Thuận – một trong những tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn về mặt y tế, đã đến học tập tại BV ĐHYD TPHCM. Ngoài ra, chúng tôi còn cử thầy cô đến đó để “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn tận tình về việc chuyển giao kỹ thuật và giúp đỡ các học viên. Hiện tại, Bệnh viện Ninh Thuận đã có thể tự điều trị thành công cho một số ca bệnh lý khó với phương pháp hiện đại.

Hoặc tại Bệnh viện tỉnh Sóc Trăng, việc chuyển giao công nghệ thành công với Khoa Tim mạch là một trong những thành tựu và bước ngoặt lớn đối với tỉnh. Trước đây, khi chưa có đủ công nghệ và khả năng thực hiện những ca phẫu thuật tim phức tạp, việc vận chuyển người bệnh lên các bệnh viện lớn ở TPHCM gặp rất nhiều khó khăn và người bệnh phải đối mặt với nguy hiểm cao. Hiện tại, Bệnh viện tỉnh Sóc Trăng đã có thể tự thực hiện và giải quyết được vấn đề sức khỏe một cách nhanh chóng và hiệu quả. Bản thân tôi cũng đã có rất nhiều học trò trở thành những bác sĩ giỏi và nổi tiếng trải dài từ Quảng Bình vào trong miền Nam. Tôi thật sự rất tự hào và mừng khi họ đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp.

Một buổi khai giảng lớp Tim mạch can thiệp cơ bản và nâng cao tại BV ĐHYD TPHCM.


6. Mấu chốt nào giúp việc triển khai đào tạo thực hành được hiệu quả, thưa PGS?

Trong việc khám chữa bệnh, chúng tôi lấy người bệnh là trung tâm. Và đối với công tác đào tạo, cả ĐHYD TPHCM và BV ĐHYD TPHCM đều lấy học viên làm trung tâm. Chúng tôi xây dựng các chương trình học dựa vào nội dung học viên cần chứ không phải những gì chúng tôi có. Tùy thuộc vào thời điểm và năng lực của các bạn, các thầy cô sẽ lên bài giảng, thời lượng thực hành phù hợp để các bạn có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân.

Theo tôi, chương trình đào tạo thực hành không hề khó. Tuy nhiên, để có thể giúp các sinh viên, học viên được tiếp cận và quan sát một cách tốt nhất thì phải giảm số lượng người tham gia. Về năng lực, chúng tôi vẫn có thể tạo điều kiện cho nhiều học viên hơn, nhưng diện tích Bệnh viện hạn chế nên chúng tôi bắt buộc phải chia nhỏ và giảm số lượng. Với cương vị là Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo, tôi luôn mơ ước xây dựng được một Trung tâm Khoa học và đào tạo với diện tích lớn hơn, có cả mô phỏng về người bệnh, để người học có thể được thực hành theo quy trình chuẩn mực nhất. Thậm chí, BV ĐHYD TPHCM sẵn sàng đào tạo cho cả hệ thống bệnh viện công hoặc tư từ chuyên môn đến vận hành quản trị. Do đó, có thể thấy rằng năng lực đào tạo không hề có giới hạn nhưng vẫn ưu tiên trọng tâm cho chất lượng giảng dạy được thực hiện tốt nhất.

7. 
Hoạt động theo mô hình Trường – Bệnh viện với sứ mệnh “Mang đến giải pháp chăm sóc sức khỏe tối ưu bằng sự tích hợp giữa điều trị, nghiên cứu và đào tạo”, Bệnh viện đã tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học như thế nào?

“Điều trị, nghiên cứu và đào tạo” được xem là ba đỉnh của một tam giác được liên kết chặt chẽ, bổ trợ và nâng đỡ cho nhau. Và đã là người bác sĩ thì không thể thiếu bất kỳ yếu tố nào. Nhiệm vụ của một nhà nghiên cứu là phải tìm hiểu, phân tích và chứng minh được những vấn đề mới có trong thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được việc đó, người nghiên cứu cần phải đào sâu vào những vấn đề cũ. Cụ thể, chúng tôi phải tìm tòi, học hỏi và phân tích những đề tài nghiên cứu đã được thực hiện, để nâng cao và phát triển mở rộng. Trong toàn bộ quá trình đó, chúng tôi phát hiện ra những vấn đề còn khiếm khuyết, chưa có lời giải thích. Từ đó mới có thể nghiên cứu cách giải quyết, xử lý và giải thích tại sao lại xuất hiện những vấn đề đó. Mục tiêu cuối cùng là đem lại phương pháp giúp tối ưu hóa cuộc sống của con người.

Tại BV ĐHYD TPHCM, các thầy cô đều phải nỗ lực học hỏi, nghiên cứu thêm những vấn đề y khoa trong cuộc sống hằng ngày, không chỉ dừng lại ở việc khám chữa bệnh. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu khoa học được xem là bằng chứng tốt nhất có thể chứng minh được năng lực của các bác sĩ, thậm chí là của cả một bệnh viện. Việc nghiên cứu chuyên sâu nắm giữ vai trò quan trọng. Đầu tiên, nghiên cứu sẽ giúp người bác sĩ nâng cao năng lực, mở rộng kiến thức chuyên môn, tiếp đó là thể hiện trình độ của bệnh viện cho xã hội và quan trọng nhất là có thể cống hiến được những công trình mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng.

8. 
Theo sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, big data (dữ liệu lớn) và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là hai yếu tố mang lại sự thay đổi vô cùng to lớn đối với ngành Y học trong tương lai. Là trong những bệnh viện luôn đi đầu trong việc cập nhật xu hướng thế giới mới nhất, BV ĐHYD TPHCM có những dự định gì cho sự phát triển này?

Ngoài bệnh án điện tử và hệ thống PACS là thành tựu đáng tự hào, sắp tới, Bệnh viện kết hợp với trường Đại học Bách khoa TPHCM và công ty công nghệ toàn cầu Microsoft phát triển các dự án mới. Vừa qua, BV đã thực hiện được rất nhiều ca phẫu thuật ghép gan thành công mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài, số lượng người bệnh đến để điều trị gan ngày càng tăng cao. Do đó, Bệnh viện mong muốn sử dụng AI trong chẩn đoán các bệnh lý về gan nhằm đem lại nhiều lợi ích như hạn chế rủi ro sai sót, tiết kiệm được thời gian cho người bệnh và nguồn nhân lực cho Bệnh viện.

Ngoài ra, Bệnh viện sẽ tập trung đến mảng Y sinh học phân tử. Bệnh viện mong muốn thành lập Trung tâm Ung thư dựa trên những công nghệ hiện đại và phương pháp bóc tách phân tử tiên tiến. Tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn luôn đảm bảo sẽ chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị và nguồn nhân lực cần thiết để vận hành sớm nhất. Ngoài những cơ sở điều trị ung thư uy tín lớn hiện có, người dân sẽ có thêm địa chỉ đáng tin tưởng để được giải quyết các vấn đề sức khỏe cá nhân một cách tối ưu nhất.

Xin cảm ơn PGS TS BS. Lê Minh Khôi.

Các tin đã đăng