Kỹ thuật mới giúp tìm được khối u ở những vị trí "hóc búa"
11/03/2023 16:45:00
Đối với những ca bệnh khó, vị trí nghi ngờ có khối u thường nằm ở nơi kỹ thuật nội soi thông thường không thể tiếp cận và tìm ra. Hiện nay, kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết đã giải được bài toán khó này, giúp đưa ra chẩn đoán chính xác. Từ đó, bác sĩ kịp thời có phác đồ điều trị đúng hướng cho người bệnh.
Phát hiện nhiều trường hợp ung thư, lao phổi
PGS TS BS. Lê Thượng Vũ - Phó trưởng Khoa Hô hấp BV ĐHYD TPHCM - cho biết, Bệnh viện đang triển khai một kỹ thuật mới: nội soi phế quản siêu âm sinh thiết. Nhờ kỹ thuật này, không ít trường hợp sau khi đi khám nhiều nơi không đạt kết quả, nay đã được “bắt trúng” bệnh. Nhờ vậy, các người bệnh nói trên đã được chỉ định phác đồ phù hợp, nâng cao hiệu quả điều trị.
Điển hình như trường hợp nữ người bệnh P.T.M.H. (24 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM) là điều dưỡng tại một bệnh viện ở TPHCM. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, người bệnh rất tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Tuy vậy, từ đó, chị H. luôn cảm thấy sức khỏe suy giảm, hay bị ho, sốt không rõ nguyên nhân. 2 tháng nay, tình trạng của chị H. trở nên trầm trọng. Chị sụt cân, ho nhiều và hay sốt về chiều, người lúc nào cũng ớn lạnh. Chị H. từng tới vài cơ sở y tế khám, kết quả chụp phim X-quang thấy đám mờ ở phổi. Các bác sĩ lo ngại người bệnh có thể bị tổn thương ác tính. Thế nhưng, vị trí tổn thương lại nằm ở trung thất, không thể tiếp cận để lấy mẫu sinh thiết bằng cách nội soi thông thường.
Cuối cùng, chị H. tới BV ĐHYD TPHCM kiểm tra. Người bệnh được chỉ định chụp CT thì thấy có hạch ở trung thất. Chị được tiến hành lấy mẫu mô bệnh bằng kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết. Nếu không áp dụng kỹ thuật này thì chỉ còn cách mổ nội soi trung thất. Nhờ kỹ thuật nội soi siêu âm sinh thiết, bác sĩ đã lấy ra được mẫu mô bị hoại tử, giải phẫu bệnh được đọc ngay trong quá trình nội soi và xác định được chị bị nhiễm bệnh lao.
Theo Bác sĩ Lê Thượng Vũ, kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết được BV ĐHYD TPHCM triển khai từ tháng 2/2023. Tới nay, Bệnh viện đã thực hiện trên 26 người bệnh, phát hiện 13 trường hợp bị ung thư.
Ưu điểm và chống chỉ định
Khi người bệnh có những biểu hiện bất thường (khó thở, ho dai dẳng, ho ra máu…) sẽ được chỉ định nội soi phế quản. Đó là quá trình đặt ống nội soi mềm có gắn camera qua miệng hoặc mũi của người bệnh, từ từ đưa xuống phổi để kiểm tra, quan sát đường hô hấp. Trong quá trình thực hiện, nếu nghi ngờ có những tổn thương và cần kiểm tra chính xác hơn, bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu mô bất thường để làm sinh thiết. Nhờ vậy, bác sĩ sẽ xác định được các bệnh lý đường hô hấp của người bệnh.
Kỹ thuật nội soi phế quản còn dùng để lấy mẫu mô của người bệnh, hỗ trợ việc xét nghiệm, kiểm tra tình trạng của khối u để đánh giá diễn tiến bệnh, độ lan rộng của khối u ung thư, khối u trong đường thở và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Ngoài ra, khi nội soi cũng có thể phát hiện các dị vật tại đường hô hấp hoặc các bất thường ở phổi, phế quản; đồng thời loại bỏ các dị vật trong đường thở của người bệnh (nếu có).
Nội soi phế quản siêu âm sinh thiết cũng là một kỹ thuật nội soi phế quản nhưng có những điểm ưu việt hơn hẳn. Nội soi phế quản siêu âm (Endobroncho Ultrasound - EBUS) là kỹ thuật nội soi phế quản được kết hợp thêm phương tiện siêu âm để quan sát, đánh giá các tổn thương cạnh phế quản; chẳng hạn như khối u cạnh phế quản, hạch rốn phổi, trung thất hoặc các tổn thương phổi ngoại vi (nơi nội soi thông thường khó có thể tiếp cận). Kỹ thuật nội soi truyền thống chỉ thấy được trong lòng của đường thở nên gặp nhiều hạn chế với các tổn thương ở vị trí khó.
Nội soi phế quản siêu âm sinh thiết có 2 dạng đầu dò: đầu dò xuyên dành cho các tổn thương phổi ở ngoại vi và đầu dò lồi dành cho hạch rốn phổi, trung thất hoặc khối u cạnh phế quản. Điểm nổi trội của kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết so với kỹ thuật nội soi truyền thống là thấy được hạch ở phía ngoài lòng khí quản và khối u tại vị trí xa trung tâm. Cũng như các kỹ thuật y khoa khác, kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết có một số hạn chế, chống chỉ định với vài đối tượng: không áp dụng cho người bệnh bị suy hô hấp và nhiễm trùng nặng.
Tại BV ĐHYD TPHCM, kỹ thuật nội soi phế quản siêu âm sinh thiết diễn ra khi người bệnh đã được gây mê. Gây mê giúp kiểm soát đường thở của người bệnh tốt hơn. Bên cạnh đó, các liên chuyên khoa được lên kế hoạch phối hợp từ trước. Người bệnh sẽ được đọc kết quả giải phẫu bệnh trong lúc tiến hành nội soi. Nhờ vậy, ngay tại thời điểm nội soi, Bác sĩ đã biết mình lấy mẫu mô đúng chỗ hay chưa, từ đó chẩn đoán bệnh sẽ cho độ chính xác cao nhất.
Tác dụng phụ của nội soi phế quản nói chung là chảy máu, tràn khí nhưng nhờ kỹ thuật tốt của phẫu thuật viên dưới sự chỉ dẫn của siêu âm, tỉ lệ chảy máu của nội soi phế quản siêu âm sinh thiết đã giảm xuống còn 1% thay vì 10% như thông thường.
Các tin đã đăng
- Người bệnh đột quỵ và thiếu máu não thoáng qua: không nên tự ý ngưng thuốc(23/05/2023)
- Nguy cơ đột quỵ tăng dần theo thời gian kể từ cơn đột quỵ đầu tiên(19/05/2023)
- Chấn thương phần mềm có làm mất thẩm mỹ và để lại vết thâm?(19/05/2023)
- Tiêm Botulinum toxin trong điều trị bệnh lý thần kinh(04/04/2023)
- Kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ trong điều trị bệnh thần kinh mạn tính (02/03/2023)
- Nang sán chó bám trên cơ tim người phụ nữ (28/02/2023)